Đờn ca hội ngộ tài tử

Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - 2014 diễn ra tại Bạc Liêu từ ngày 24 đến 29-4, với chủ đề “Tình người, tình đất phương Nam”. Vậy là trong không khí chào mừng 39 năm non sông thống nhất, người dân Việt Nam lại có thêm một điểm nhấn tinh thần đáng phấn khởi. Sau khi được bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, đờn ca tài tử có dấu hiệu chấn hưng một cách mạnh mẽ.

Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - 2014 diễn ra tại Bạc Liêu từ ngày 24 đến 29-4, với chủ đề “Tình người, tình đất phương Nam”. Vậy là trong không khí chào mừng 39 năm non sông thống nhất, người dân Việt Nam lại có thêm một điểm nhấn tinh thần đáng phấn khởi. Sau khi được bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, đờn ca tài tử có dấu hiệu chấn hưng một cách mạnh mẽ.

Tuy hơi khuất nẻo, nhưng Bạc Liêu vẫn được xem như một vùng đất có trầm tích văn hóa Nam bộ. Trong lịch sử hình thành, Bạc Liêu dung hòa bản sắc của người Kinh, người Hoa và người Khmer khá uyển chuyển và mạch lạc. Chính tính cởi mở và phóng khoáng, tạo tiền đề cho đờn ca tài tử lan tỏa và nhân rộng.

Không có căn cứ để khẳng định đờn ca tài tử được khai sinh ở Bạc Liêu. Thế nhưng, Bạc Liêu có công bồi đắp 20 bản tổ của đờn ca tài tử. Ngoài nhạc sĩ Cao Văn Lầu nổi danh với bài “Dạ cổ hoài lang”, Bạc Liêu còn có nhiều nghệ nhân một thời gắn bó tên tuổi cùng đờn ca tài tử như sư Nguyệt Chiếu hay cô Ba Vàm Lẽo.

Thập niên đầu tiên của thế kỷ trước, đờn ca tài tử đã được mang đi biểu diễn quốc tế. Đến bây giờ mới có Festival đờn ca tài tử quốc gia thực ra không phải quá sớm. Bởi lẽ, quá khứ của đờn ca tài tử đã được cha ông gìn giữ chu đáo, còn tương lai của đờn ca tài tử thế nào là trách nhiệm của chúng ta hôm nay. Tỉnh Bạc Liêu có sáng kiến thành lập Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, để giúp đỡ những nghệ nhân và soạn giả có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài hỗ trợ về vật chất, đờn ca tài tử còn cần tầm nhìn về quản lý văn hóa.

Đặc trưng quan trọng nhất để đờn ca tài tử thâm nhập đời sống sông nước Cửu Long, chính là tính ngẫu hứng. Vì vậy, dân miền Tây vẫn gọi “chơi đờn ca tài tử” chứ không phải “biểu diễn đờn ca tài tử”. Nhờ lối “chơi” vô tư, “chơi” phi lợi nhuận mà đờn ca tài tử có phẩm chất thân thiện và thăng hoa. Các loại quần nhung áo gấm và các tiết mục dàn dựng đều xa lạ với công chúng đờn ca tài tử.

Muốn nâng niu đờn ca tài tử tuyệt đối không được sân khấu hóa đờn ca tài tử. Khi bị tước mất nét bình dị và nét trang nhã, chúng ta chỉ có “đờn ca” mà không có “tài tử” nữa. Dù điệu Tứ Đại Oán hay điệu Văn Thiên Tường, “đờn ca” dễ kiếm mà “tài tử” khó tìm.

Các tin khác