Đơn giản con số phức tạp

Thành lập vào năm 1994, tài sản CTCP MISA lúc đó chỉ là 3 chàng kỹ sư phần mềm yêu nghề, không máy tính, không văn phòng. Đến nay, sau 20 năm thăng trầm, MISA đã vươn lên top 5 DN công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, một trong những đơn vị tiên phong đưa hệ thống quản trị tài chính-kế toán vào từng DNNVV. Còn sản phẩm phần mềm kế toán MISA được đánh giá là phần mềm phổ biến nhất Việt Nam. Ông Đỗ Hồng Quang (ảnh), Giám đốc MISA tại TPHCM, đã có những chia sẻ với ĐTTC về chặng đường phát triển.

Thành lập vào năm 1994, tài sản CTCP MISA lúc đó chỉ là 3 chàng kỹ sư phần mềm yêu nghề, không máy tính, không văn phòng. Đến nay, sau 20 năm thăng trầm, MISA đã vươn lên top 5 DN công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, một trong những đơn vị tiên phong đưa hệ thống quản trị tài chính-kế toán vào từng DNNVV. Còn sản phẩm phần mềm kế toán MISA được đánh giá là phần mềm phổ biến nhất Việt Nam. Ông Đỗ Hồng Quang (ảnh), Giám đốc MISA tại TPHCM, đã có những chia sẻ với ĐTTC về chặng đường phát triển.

PHÓNG VIÊN: - Chúc mừng MISA với giải thưởng Top 5 và Huy Chương vàng ICT 2014. Trước đó, MISA cũng là chủ nhân của hàng chục giải thưởng lớn như: 8 giải thưởng Sao Khuê, giải Sao vàng Đất Việt. Theo ông, đâu là bí quyết mang lại thành công?

Ông ĐỖ HỒNG QUANG: - Những năm mới thành lập, MISA rất khó khăn, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, chỉ có 1 cái bàn, 1 cái ghế, 1 máy tính và 1 cái điện thoại, được kê tại khu trưng bày của Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ 79 Trương Định. Lúc đó, khái niệm phần mềm còn là thứ hàng hóa xa lạ và DN làm phần mềm lại càng hiếm. Bởi thế những người làm MISA luôn tâm niệm, đã là người đi tiên phong trong lĩnh vực này sẽ phải luôn tiên phong trong việc cho ra đời các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Điển hình như phần mềm kế toán DN MISA SME dành cho DNNVV. Những năm cuối thập niên 90, DNNVV gặp khó khăn về vốn, nhân lực, lại quen làm việc thủ công bằng excel... Thời đó, các DN làm phần mềm chỉ bán sản phẩm cho các DN lớn, DN nhà nước, chưa có sản phẩm cho DNNVV.

Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy những tiềm năng rất lớn với thị trường này. Bằng những bước đi táo bạo, các phiên bản MISA SME ra đời và tích hợp được nhiều tính năng: từ MISA SME 2.0, MISA SME 3.0... đến MISA SME.NET 2010, MISA SME.NET 2012 cho phép làm việc online. Mới đây, AMIS.VN cũng lần đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ điện toán đám mây.

- Đi tiên phong bao giờ cũng khó. MISA đã làm gì để phần mềm đi được vào DNNVV?

- MISA luôn tập trung khai thác điểm mạnh của mình đồng thời là điểm thị trường đang yếu, đang thiếu. Chẳng hạn tập trung khai thác vào một số phần mềm kế toán nhất định có hiệu quả cao. Hiểu được những khó khăn riêng của DNNVV,  MISA luôn hướng đến việc phát triển sản phẩm gọn, nhẹ, dễ sử dụng, giúp những người biết ít về tin học, kế toán cũng có thể sử dụng với giá thành hợp lý.

Một phần mềm tối ưu hóa công việc, giá thành rẻ sẽ được khách hàng tin tưởng và đón nhận. Bên cạnh đó, sau 20 năm hình thành và phát triển, MISA đã xây dựng một thương hiệu được khách hàng tin cậy với công tác hỗ trợ sau bán hàng hết sức tận tình, đảm bảo trước và sau triển khai dịch vụ đều rất hài lòng với sản phẩm.

Với 5 văn phòng trên cả nước, 1 trung tâm phát triển phần mềm, 1 trung tâm tư vấn và hỗ trợ khách hàng, khách hàng luôn được tư vấn, hỗ trợ kịp thời 24/7. MISA còn xã hội hóa công tác triển khai bằng cách tài trợ cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề giúp cho các bạn sinh viên ra trường có thể tiếp cận ngay với công việc.

- Ngày càng có nhiều đơn vị quan tâm đến các công cụ quản trị nguồn lực DN (ERP) trên nền tảng điện toán đám mây và di động. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

- Trên thế giới, công nghệ điện toán đám mây (cloud) đã phát triển mạnh, ổn định, được coi là công nghệ tất yếu của công nghiệp CNTT. Cloud được ứng dụng phổ biến hiện nay trong DN bao gồm: quản trị DN, kế toán, quản trị khách hàng, quản trị nhân sự, quản trị tài sản…

Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn là bước phát triển mới nhưng đầy tiềm năng. Tôi nghĩ việc đưa ERP lên cloud và di động có lợi hơn cho DN. Trước hết, thị trường di động đang là xu thế mới. Người chủ DN có thể ngồi bất kỳ đâu vẫn có thể quản trị được DN mình bằng máy tính bảng, điện thoại thông minh. Thứ hai, triển khai ERP cloud cho các DNNVV rất đơn giản, chi phí dịch vụ thấp hơn phần mềm đóng gói. Đặc biệt, DN chỉ cần trang bị một đường truyền internet sẽ có thể sử dụng ngay công nghệ điện toán đám mây.

- Nhiều DN vẫn trăn trở với vấn đề bảo mật. Ông có lời khuyên gì?

- Theo tôi, những giải pháp bảo đảm an toàn thông tin hiện nay đã đủ tốt để đáp ứng yêu cầu đối với hầu hết DN triển khai điện toán đám mây. Mọi dữ liệu đều được mã hóa hoặc backup thường xuyên lên các server khác nhau. Khi không muốn dùng điện toán đám mây nữa, đơn vị cung cấp cũng có nghĩa vụ đóng gói tất cả các dữ liệu rồi gửi về lại DN.

Tuy nhiên, khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cloud, ngoài thương hiệu của đơn vị cung cấp, DN nên lưu tâm hơn đến hạ tầng các trung tâm dữ liệu (data center). Đối với MISA, dữ liệu khách hàng được đặt tại trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế tier 3 của Viettel IDC, hệ thống sao lưu dữ liệu tự động liên tục đề phòng rủi ro, bảo mật đến từng người dùng, truy vết được mọi giao dịch của người dùng với hệ thống. MISA cũng đã đạt được các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn bảo mật ISO 9000, ISO 27000 và sản phẩm sản xuất theo quy trình CMMI.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác