Theo cảnh báo từ các chuyên gia khí tượng và Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, bão số 3 dự kiến đổ bộ vào đất liền vào khoảng chiều đến tối 7-9, gây ra mưa lớn và gió mạnh tại khu vực Bắc bộ.
Tuy nhiên, từ đêm 6-9 đến sáng 7-9, nhiều khu vực ở miền Bắc đã có hiện tượng mưa và gió mạnh. Thời điểm bão đổ bộ sâu trong đất liền (bao gồm cả Hà Nội) vẫn còn gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10-11.
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh rằng, với bán kính hoàn lưu rộng, bão sẽ gây ra mưa lớn và gió mạnh trên phạm vi rộng. Ông cảnh báo bão có thể tạo ra các trận dông lốc, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều nơi sử dụng mái tôn, biển quảng cáo và có nguy cơ cao về cây xanh đổ gãy.
Ông Luận nhấn mạnh: “Theo tôi, từ sáng thứ bảy (tức sáng 7-9) tại khu vực tâm bão đổ bộ, người dân nên ở nhà”, đồng thời đề nghị các địa phương tùy tình hình cụ thể xem xét phương án cho học sinh nghỉ học.
Ông Luận cũng lưu ý, thời gian qua, nhiều khu đô thị đã bị ngập úng nghiêm trọng. Với dự báo lượng mưa từ 200-350mm, có nơi lên đến trên 500mm, nguy cơ ngập úng càng tăng cao.
Để giảm thiểu thiệt hại, ông cũng đề xuất cần sơ tán người dân sống tại những ngôi nhà bán kiên cố, có nguy cơ bị sập đổ khi bão đổ bộ. Đồng thời, các địa phương cần chủ động chặt tỉa cành cây, gia cố, chằng chống nhà cửa, công trình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện, cột tháp truyền hình và phát thanh.
“Cơn bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây có thể đổ bộ vào miền Bắc. Hiện nay, dọc các tuyến ven biển có nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng lớn, nếu không chằng chống chậm nhất là trong ngày mai thì sẽ không kịp”, ông Luận cảnh báo.
Ông cũng nhấn mạnh: “Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi bão đổ bộ, người dân không nên tham gia giao thông khi bão đổ bộ”.
Họa đồ cập nhật vị trí và dự báo hướng đổ bộ của bão số 3 đến 20 giờ ngày 5-9. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia
Từ Quảng Ninh, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết qua rà soát tại các đảo chỉ còn 154 khách du lịch. Sáng 6-9, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu cấm biển, không cho tàu thuyền hoạt động, những du khách nào không trở về bờ sẽ phải ở lại đảo.
Ông Cường nói thêm: “Ngày 5-9, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới rất an toàn, không mưa. Tuy nhiên, khi bão vào, chúng tôi sẽ xem xét tình hình cho học sinh nghỉ học”.
Tại TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ thông tin, 2.077 khách du lịch còn lại trên đảo đã được thông báo và dự kiến toàn bộ du khách này sẽ trở về đất liền trong ngày 6-9. UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo Sở Công Thương đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Sở Xây dựng đảm bảo ứng phó ngập lụt tại khu nội thành.
Ông Thọ chia sẻ: “Hải Phòng có nhiều kho bãi chứa container. Các kho bãi này đã được lệnh hạ độ cao để đảm bảo an toàn, đồng thời chằng néo, đảm bảo an toàn cho cần cẩu”. Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cũng đang cân nhắc phương án cho học sinh nghỉ học tránh bão.
Nhà cửa chìm trong lũ ở Cao Bằng thời gian vừa qua
Từ tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, Cao Bằng đã chịu thiệt hại nặng nề. Nếu tiếp tục có mưa lớn, thiệt hại chắc chắn rất lớn. Cao Bằng đang đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi rất lo ngại nếu mưa bão”.
Cục Hàng không sẽ điều chỉnh lịch bay tránh bão
Theo đại diện Bộ GTVT, hiện thời tiết ở miền Bắc vẫn nắng ráo, các công trình xây dựng vẫn đang tận dụng thời gian vàng trước bão để thi công, sau đó sẽ nhanh chóng thu dọn, đảm bảo an toàn cho người và máy móc, thiết bị.
“Hiện nay, Cục Hàng không cũng đã sẵn sàng điều chỉnh lịch bay tránh bão, cố gắng điều chỉnh sát nút bão để giảm thiểu tác động của bão đến hoạt động bay, nhưng cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách. Đồng thời cũng sẽ nối lại đường bay ngay khi thời tiết cho phép”, đại diện Bộ GTVT thông tin.
Tương tự, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ điều chỉnh lịch chạy tàu phù hợp với diễn biến của bão và chuẩn bị vật tư để khắc phục thiệt hại do bão như ngập lụt, sạt lở…