Tại hội thảo này, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó một đề xuất đáng chú ý là Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính để gia tăng hiệu suất.
Cụ thể, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày về vấn đề chính sách thúc đẩy tăng trưởng từ kết quả ứng dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số KHCN - ĐMST và CĐS) của các doanh nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc (UEH) đã chia sẻ, thế giới hậu COVID-19 đang phải đối mặt với các thách thức và xu hướng toàn cầu quan trọng, những biến động đa chiều từ địa chính trị, kinh tế và xã hội đan xen nhau, tạo ra một thế giới ngày càng trở nên bất ổn hơn.
Trong xu thế đó, khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là chiến lược thích ứng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam trước những những bất ổn và thách thức toàn cầu. Chiến lược này mang đến những cơ hội đột phá, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và nâng cao năng lực cạnh tranh cho trụ cột của nền kinh tế là các doanh nghiệp.
"KHCN - ĐMST và CĐS sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới", GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.
Ông cho biết, đúc kết từ thực tiễn cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của KHCN - ĐMST và CĐS cũng đã tăng rõ rệt trong vài năm gần đây. Ứng dụng KHCN - ĐMST và CĐS còn là giải pháp để vượt qua các cuộc khủng hoảng.
Song rào cản quan trọng nhất đối với KHCN - ĐMST và CĐS của doanh nghiệp hiện nay chính là thiếu thông tin, thiếu nguồn vốn triển khai, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ để thử nghiệm và thí điểm, dẫn đến thiếu động lực để thay đổi và thích ứng. Hành lang pháp lý và môi trường thể chế chính sách vẫn chưa chặt chẽ, đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế dựa trên KHCN - ĐMST và CĐS.
Theo đó, ông Bảo đưa ra nêu 3 đề xuất then chốt để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên KHCN - ĐMST và CĐS của các doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Thứ nhất, cần có hành lang pháp lý vững chắc cho những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng KHCN - ĐMST và CĐS, để họ có được sự bảo vệ cần thiết. Đừng để doanh nghiệp rút lui khỏi cuộc chơi hoặc nản chí, bỏ cuộc.
Thứ hai, nguồn vốn đầu tư cần được phân phối tương xứng cho KHCN - ĐMST và CĐS; cần có chính sách để các NHTM ưu tiên vốn cho KHCN - ĐMST và CĐS.
Thứ ba, để bảo đảm KHCN - ĐMST và CĐS phát triển bền vững, cần chuẩn bị trước cho các kịch bản xấu. Kinh tế số phát triển có thể phải đối mặt với rủi ro khủng hoảng số, do những khuyết tật của mô hình kinh tế mới và nguy cơ do tấn công mạng, thao túng dữ liệu, v.v.
Song song đó, Chính phủ cần cho thấy vai trò kiến tạo và giám sát, đánh giá và ghi nhận các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hành lang pháp lý. Hạ tầng số, nền tảng số cần được phát triển đồng bộ.
Đồng thời, có thể đầu tư và thí điểm các hạ tầng số tại 2 thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, các thành phố trực thuộc Trung ương, các đặc khu kinh tế, khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là vấn đề chung, mang tính toàn cầu.
Theo GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng UEH, hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đất nước bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh là “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Đây là lời khẳng định khát vọng và niềm tin của toàn dân tộc vào hành trình chinh phục những mục tiêu lớn lao về kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.
Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài tham luận bao quát các lĩnh vực đa dạng từ kinh tế vĩ mô, thể chế phát triển, đến đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh... và đã có gần 50 bài viết chất lượng cao đã được chọn để xuất bản trong Kỷ yếu hội thảo với nội dung sâu sắc, thực tiễn và phản ánh góc nhìn đa chiều.
Các bài hội thảo tập trung vào 3 trụ cột chính. Một là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc đổi mới tư duy lý luận, đưa ra các bước đột phá trong cải cách thể chế và minh bạch hóa pháp luật...
Hai là đề xuất Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính để gia tăng hiệu suất. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế xanh để đảm bảo duy trì sự tăng trưởng kinh tế dài hạn và phát triển bền vững.
Ba là đề xuất các giải pháp xây dựng các cơ chế liên kết vùng, tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của các vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, được coi là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng và quốc gia. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế không chỉ giúp tiếp cận công nghệ tiên tiến và tri thức toàn cầu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời kỳ mới.