Theo tính toán của cả Đồng Nai và số liệu từ các KCN, KCX TPHCM, có khoảng 16.000 lao động và rất nhiều doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng bởi quyết định cách ly người về/đến từ TPHCM của Đồng Nai. Ngoài cách ly, những người đến từ TP HCM (trừ những người phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế) phải lấy mẫu xét nghiệm hai lần vào ngày thứ 7 và 14, tự trả chi phí. Nếu không chấp hành sẽ bị xử phạt.
Đồng Nai cho rằng vì là tỉnh giáp ranh với TPHCM, nên số lượng lao động, chuyên gia nước ngoài ở TPHCM về làm việc tại tỉnh này lên đến 10.000 người; nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất lớn. Tỉnh đã hướng dẫn các công ty vận động công nhân, chuyên gia ở lại Đồng Nai làm việc hoặc làm việc trực tuyến.
Trong khi đó, trong công văn khẩn gửi UBND TPHCM, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, đang có khoảng 6.000 lao động ở Đồng Nai đến các khu chế xuất, khu công nghiệp Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam tại TP HCM làm việc. Rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải và vận chuyển qua lại giữa hai địa phương.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của các cấp chính quyền. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc như thế nào, để không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên diện rộng", lãnh đạo DN TPHCM đang đầu tư tại Đồng Nai.
Các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP Thủ Đức đã bày tỏ lo lắng sản xuất bị ảnh hưởng nếu Đồng Nai áp dụng giải pháp cách ly này.
Chia sẻ với ĐTTC, đại diện một Tập đoàn bất động sản TPHCM đang triển khại dự án tại Đồng Nai cho biết rất bất ngờ với quyết định chống dịch của Đồng Nai, trong đó áp dụng cách ly 21 ngày với người từ TPHCM. Lãnh đạo doanh nghiệp có văn phòng chính tại TPHCM với quy mô hơn 5.000 nhân viên này, nói hiện đang triển khai một dự án khá lớn tại Biên Hòa. Ngoài việc hàng trăm cán bộ của nhà thầu thi công làm việc tại công trình, thì hàng ngày còn có gần 100 cán bộ từ TPHCM đi về trong ngày, để làm việc.
Không chỉ doanh nghiệp tại TPHCM lo ngại sản xuất bị ảnh hưởng vì người lao động tại Đồng Nai khó đến làm việc, doanh nghiệp tại các KCN ở Đồng Nai cũng không dễ thở khi khoảng 10.000 lao động, chuyên gia từ TPHCM đi về làm việc trong ngày. Ảnh: Báo Đồng Nai
Ngoài những đợt bán hàng doanh nghiệp còn tổ chức cho hàng nghàn khách hàng tham gia sự kiện, hiện hàng tuần cũng có vài trăm khách hàng đi tham quan dự án. Nếu chấp hành đúng như quy định của Đồng Nai đưa ra, thì khách hàng từ TPHCM sẽ không thể về tham quan, giao dịch trong thời điểm này. Cùng với đó, toàn bộ cán bộ nhân viên từ TPHCM đến dự án làm việc hàng ngày cũng phải tạm ngưng, tìm cách làm việc cho phù hợp với tình hình thực tế. Chắc chắn là công việc sẽ bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.
"Tôi nghĩ với doanh nghiệp của chúng tôi dù cũng có ảnh hưởng, nhưng khối làm việc văn phòng vẫn có thể xử lý bằng làm việc 'từ xa'. Bên thi công thì ăn ở tại chỗ. Nhưng với những doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp mà người lao động trực tiếp ở TPHCM hàng ngày, phải di chuyển bằng xe đưa đón đến làm việc, thì buộc nhà máy phải ngưng hoạt động", vị này nói.
Theo ông, bởi trong thời gian đưa ra quyết định quá ngắn như vậy, các doanh nghiệp khó có thể chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho hàng ngàn con người. Mà nếu chuẩn bị được thì chưa chắc người lao động đã chịu ở lại. Vì họ phải về nhà lo việc gia đình, con cái ban đêm. Đó là cái khó cho cả người lao động và các doanh nghiệp.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của các cấp chính quyền. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc như thế nào, để không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên diện rộng", lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản này chia sẻ thêm.
Văn bản chống dịch của tỉnh Đồng Nai ban hành chiều 4-6, ngay lập tức có hiệu lực từ 0h ngày 5-6, áp dụng cách ly y tế tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 21 ngày với tất cả người đến từ TPHCM.
Từ ngày 31-5, sau khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội chống dịch, đến nay đã có 44 tỉnh, thành tạm dừng hoạt động vận tải đi và đến TPHCM. Hiện, có 7 tỉnh cho phép hoạt động trong điều kiện đảm bảo quy định phòng, chống dịch, là Tây Ninh, Bình Dương, Sóc Trăng, Phú Yên, Hà Nam, Hà Nội và Hưng Yên.