Đồng Nai quy hoạch Long Thành là đô thị sân bay

(ĐTTCO)-Đô thị Long Thành được định hướng phát triển trở thành thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế, trung tâm logistics hàng không với quy mô dân số khoảng 500.000 người vào năm 2045…
Mô hình cổng chào của đô thị sân bay Long Thành - Ảnh: Đơn vị tư vấn.
Mô hình cổng chào của đô thị sân bay Long Thành - Ảnh: Đơn vị tư vấn.

Theo Bộ Xây dựng, Bộ này đã nhận được Tờ trình của UBND tỉnh Đồng Nai về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 đô thị Long Thành đến năm 2045.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch với nội dung: xác định tính chất đô thị là trung tâm logistics, kho vận cấp vùng và quốc gia, cửa ngõ quốc tế; đầu mối giao lưu cấp vùng và liên vùng; dự báo quy mô dân số đến năm 2030 đạt 380.000 người, đến năm 2045 đạt 500.000 người (tương đương quy mô đô thị loại I thuộc tỉnh).

Do đó, cần nghiên cứu xác định mục tiêu phát triển đô thị Long Thành đến năm 2045 căn cứ theo nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 24 ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phù hợp với vai trò, tính chất của đô thị đối với vùng Đông Nam Bộ, quốc gia.

Dự báo quy mô dân số phù hợp với tiềm năng, động lực của khu vực và có tính khả thi. Trên cơ sở đó, dự báo nhu cầu sử dụng đất đô thị theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.

Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Nhơn Trạch - Bến Lức đang được triển khai đầu tư xây dựng; các cảng trên sông Đồng Nai và sông Thị Vải đã được hình thành. Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu hiện trạng sử dụng đất cần bổ sung làm rõ quy mô diện tích của hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được hình thành trên địa bàn huyện.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các nội dung về phạm vi ranh giới lập quy hoạch, phạm vi nghiên cứu, yêu cầu về cập nhật quy hoạch chi tiết trong quá trình lập quy hoạch, các bản vẽ về sơ đồ vị trí và phạm vi ranh giới...

Đồng thời, Bộ Xây dựng yêu cầu chính xác về địa giới hành chính, đúng thực tiễn quản lý, phát triển, không hợp thức hóa các sai phạm trong quản lý sử dụng đất (nếu có) tại địa phương; phù hợp với quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.

Theo trình bày của đơn vị tư vấn về nội dung Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Long Thành, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045, Long Thành là sẽ là đô thị là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh; trung tâm giáo dục - đào tạo nghiên cứu khoa học gắn với khu công nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ chất lượng cao, thương mại - tài chính chất lượng cao cấp vùng…

Đô thị Long Thành là thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế phát triển bền vững, tạo tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; là trung tâm giải trí, logistics và cung cấp dịch vụ của vùng; đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội đáp ứng đầy đủ tiên nghi cuộc sống của người dân.

Về dự báo quy mô dân số, đến năm 2030 khoảng 370.000 - 380.000 người; đến năm 2045 khoảng 480.000 - 500.000 người.

Về dự báo quy mô đất xây dựng đô thị, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị là 19.960 - 20.400 ha, trong đó đất ngoài dân dụng khoảng 17.000 ha và đất dân dụng khoảng 2.960 - 3.040 ha; Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị 23.840 - 24.000 ha, trong đó đất ngoài dân dụng khoảng 20.000 ha và đất dân dụng khoảng 3.840 - 4.000 ha.

Về định hướng phát triển không gian đô thị, xác định hệ thống các khu chức năng trong đô thị gồm các khu hiện có phát triển ổn định, các khu cần chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp, các khu bảo tồn, tôn tạo, các khu chuyển đổi chức năng, các khu quy hoạch xây dựng mới, các khu cấm xây dựng và các khu dự kiến phát triển mở rộng đô thị...

Ưu tiên tận dụng những điều kiện sẵn có, phát huy lợi thế mang đến từ các dự án chiến lược vùng như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quy hoạch đô thị Long Thành gắn với sân bay Long Thành, tiếp cận theo mô hình đô thị sân bay với những tiện ích không chỉ về thương mại, giao thông mà cả văn hóa, giải trí, kết nối du lịch với các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế...

Các tin khác