“Đồng tiền đi liền khúc ruột”

Năm 2003, vì một tin đồn thất thiệt về việc Tổng giám đốc của NHTMCP Á Châu (ACB) bỏ trốn mà người dân đã xếp hàng ồ ạt rút tiền tại ngân hàng (NH) này. Rốt cuộc Tổng giám đốc của ACB khi đó là ông Phạm Văn Thiệt không hề bỏ trốn và Thống đốc NHNN ông Lê Đức Thúy đã phải đứng ra đảm bảo, sự náo loạn mới chấm dứt.

Gần chục năm sau biến cố này, một lần nữa người dân lại kéo đến ACB rút hàng nghìn tỷ đồng sau thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người sáng lập ACB, bị bắt giữ. Ngay sau thông tin này xuất hiện, ACB cũng như NHNN đã lên tiếng trấn an khách hàng của mình.

Dù không náo loạn như năm 2003, nhưng vẫn có nhiều người đến ACB rút tiền. Tuy nhiên, khi đến ngày cuối tuần, thông tin nguyên Tổng giám đốc của ACB là ông Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam chính thức được công bố, ACB vẫn hoạt động bình thường, người muốn rút tiền thì đã rút được và  NH này cũng thông báo thanh khoản đã trở về bình thường.

Đến lúc này, sẽ có người đặt câu hỏi vì sao lúc tỉnh táo, rất nhiều người vẫn biết rằng từ trước đến nay ở Việt Nam chưa bao giờ có chuyện một NH phá sản. Nhà nước cũng luôn khẳng định sẽ không để đổ vỡ NH và đặc biệt luôn bảo vệ tối đa tiền gửi của dân cư.

Thế nhưng rốt cuộc vẫn có người rút tiền tại ACB? Câu trả lời có thể là “đồng tiền đi liền khúc ruột” và “biết vậy nhưng cứ rút cho chắc, sau gửi vào lại”. Không khó để nhận ra sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ yếu tố tâm lý, mà cụ thể ở đây là tâm lý đã bị dao động một cách không đáng có.

Người gửi tiền lo cho khúc ruột của mình thì Nhà nước cũng phải chú trọng đảm bảo an toàn tài chính-tiền tệ đến mức tối đa. Điều này đã được nhiều lần nhắc đến cũng như có các hành động thiết thực để chứng minh.

Nhìn sang TTCK, yếu tố tâm lý thậm chí còn được thể hiện đậm nét hơn khi thị trường đã trải qua hơn 3 phiên hoảng loạn và rơi vào tình trạng bán tháo (đầu phiên ngày 24-8 vẫn bán tháo rồi sau đó mới phục hồi). CP của NH giảm đã đành, vì có liên quan trực hoặc gián tiếp đến bầu Kiên, nhưng hà cớ gì CP của những công ty hàng tiêu dùng, công nghệ, hóa chất cũng giảm?

Và ngay trong ngành NH, giả sử bầu Kiên có ảnh hưởng như đồn đại, cùng lắm cũng chỉ vài NH. Sự hoảng loạn không đáng có của nhiều người đã khiến TTCK bốc hơi hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hóa, tương đương hàng tỷ USD.

Nhưng ở đây cũng cần nói thêm rằng, khác với thị trường NH, khi biến cố xảy ra ngay lập tức NHNN đã có những tuyên bố trấn an người gửi tiền, còn TTCK lại khác. Vụ bầu Kiên bị bắt xảy ra ngày 21-8 nhưng đến ngày 23-8 mới có một khuyến cáo cụ thể từ UBCKNN. Động thái này khó có thể gọi là nhanh chóng và theo suy nghĩ của tôi chưa thật sự mạnh mẽ.

Có thể UBCKNN cần thời gian để đánh giá tình hình rồi mới đưa ra khuyến cáo, điều này hợp lý. Nhưng vốn dĩ TTCK Việt Nam chịu tác động tâm lý rất nhiều, nên lẽ ra phải có những động thái sớm hơn nữa. Hoan nghênh UBCKNN đã đưa ra những khuyến cáo NĐT để tránh hiện tượng trục lợi đầu cơ giá xuống, nhưng cũng tiếc rằng giá như những thông điệp được đưa ra từ sớm thì khả năng phòng tránh (cho NĐT) và phòng chống (đối với nhóm đầu cơ) sẽ còn cao hơn.

Người gửi tiền rút ra gửi lại còn có thể được NH ưu đãi này nọ, nhưng người đã bán chứng khoán đến khi mua lại chưa chắc đã được ưu đãi gì, thậm chí còn phải bán rẻ mua cao.

Qua những sự kiện trên đây, có thể thấy rằng mặc dù qua nhiều năm thị trường tài chính-tiền tệ phát triển, kiến thức của NĐT hay người gửi tiền tại NH đã không ngừng được củng cố, nâng cấp nhưng dường như việc chế ngự tâm lý vẫn còn những hạn chế nhất định.

Và sự hạn chế đó cần được cải thiện không chỉ ở tự thân mỗi người mà ngay chính các cơ quan quản lý cũng phải có những động thái hỗ trợ hơn nữa. 

Các tin khác