Dự án khu dân cư (KDC) Bắc Rạch Chiếc (quận 9, TPHCM) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001. CTCP Địa ốc 10 (Res 10 JSC) là chủ đầu tư chính, được giao 785.529m2 để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ngoài ra còn 8 nhà đầu tư thứ cấp khác cùng tham gia dự án này. Đến nay, sau 10 năm dự án vẫn chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong, trong khi đó các nhà đầu tư này đã rao bán đất nền ì xèo trên mạng.
Người dân khốn khổ
KDC Bắc Rạch Chiếc có quy mô 82ha, phía Bắc giáp KDC Phước Long, Đông giáp KDC Phước Bình, Tây giáp xa lộ Hà Nội, Nam giáp Nam Rạch Chiếc. Theo quy hoạch, KDC Bắc Rạch Chiếc sẽ phục vụ giãn dân từ nội thành và đáp ứng nhu cầu ở tiện nghi như nhà vườn, liên kế, chung cư, khu trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, công viên…
Hạ tầng giao thông nội bộ KDC Bắc Rạch Chiếc thi công ì ạch, cầm chừng. |
Trong vùng quy hoạch dự án này có 438 hộ ở phường Phước Long A và Phước Bình phải đền bù giải tỏa. Thế nhưng mãi đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù, gây khó khăn cho đời sống và sinh hoạt của người dân.
Nhiều ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, sụt lún, thấm dột vào mùa mưa nhưng do đã có biên bản kê khai từ năm 2001 nên người dân không thể xây lại kiên cố, phải chống dột tạm thời nhiều lần trong năm, rất tốn kém. Hệ thống đường giao thông trong khu quy hoạch đã nhiều năm không được nâng cấp, trải nhựa, khiến việc đi lại rất khó khăn.
Hệ thống cấp thoát nước không được đấu nối, xây dựng, nên người dân phải chịu cảnh ngập úng và sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn để sinh hoạt. Các hộ tạm trú (KT3) đến đây lập nghiệp nhiều năm, đã có nhà ở, việc làm ổn định, vẫn không thể nhập hộ khẩu TP vì nhà ở đang nằm trong khu quy hoạch giải tỏa.
Với các hộ sớm giao đất cho chủ đầu tư, tình cảnh còn tồi tệ hơn. Năm 2001 ông Lâm Văn Son đã thỏa thuận giao cho Res 10 JSC khu đất 992m2 và Res 10 JSC sẽ giao nền đất tái định cư hoàn chỉnh hạ tầng có diện tích 119m2, giá trị 79,3 triệu đồng tại khu đất tái định cư Bắc Rạch Chiếc.
Ông Son phấn khởi ký vào biên bản hoán đổi đất như thỏa thuận. Nhưng giao đất cho Res 10 JSC rồi vẫn không thấy nền tái định cư đâu, cũng không được chủ đầu tư chi đồng nào chi phí tạm cư. Ông Son liên hệ với chủ đầu tư lần nào cũng vẫn nghe điệp khúc… chờ.
Trong thời gian này, chủ đầu tư liên tục gửi cho ông nhiều văn bản đối chiếu công nợ, bắt ông ký xác nhận. Ký rồi, ký mãi cũng chẳng thấy nền đất tái định cư. 10 năm không có đất xây nhà, gia đình ông phải thuê chỗ trọ nhiều nơi. Bức xúc nên đầu năm 2011 ông Son đã rào lại toàn bộ số diện tích đất đã bàn giao cho chủ đầu tư.
Giá đền bù “dây thun”
Ban Thanh tra nhân dân phường Phước Bình cho biết: Năm 2002 các hộ dân trong vùng quy hoạch dự án này phát hiện có 2 hộ được chủ đầu tư đền bù đất lúa mức 250.000 đồng/m2, trong khi các hộ khác được đền bù mức thấp, nên làm đơn khiếu nại và chủ đầu tư chấp thuận nâng mức đền bù đất lúa lên 240.000 đồng/m2 đất lúa và 290.000 đồng/m2 đất vườn.
Đến năm 2008, người dân biết được có hộ được đền bù đất lúa mức 1 triệu đồng/m2 vào năm 2007, nên yêu cầu tăng mức đền bù cho các hộ lên tương ứng, nhưng chủ đầu tư không trả lời.
Cùng là những thửa đất có giá trị sử dụng như nhau, nhưng giá đền bù giữa các hộ dân chênh lệch nhau tới 4 lần, cho thấy mức đền bù không theo phương án nào, rất lộn xộn.
Đến năm 2010, nhiều hộ dân lại hay tin có 3 hộ được chủ đầu tư đền bù đất với mức 2,5 triệu đồng/m2 nên tiếp tục yêu cầu Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 bổ sung tiền đền bù, đơn vị này hướng dẫn gặp Res 10 JSC để thỏa thuận. Tuy nhiên, khi người dân đến trụ sở của công ty này luôn được thông báo lãnh đạo bận đi họp.
Trong khi mức đền bù giải tỏa rẻ mạt, chưa giải phóng được mặt bằng để triển khai dự án, các đơn vị tham gia dự án đã tranh thủ rao bán nền đất KDC Bắc Rạch Chiếc cao hơn mức giá đền bù cho dân năm 2002 đến hàng chục lần, khiến nhiều người bức xúc.
Bán “lúa non” của dân
Thông thường, một dự án muốn thu hồi đất phải tiến hành bồi thường, tái định cư cho dân, sau đó mới xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng dự án.
Và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Sau khi xây dựng xong phần kỹ thuật trục chính KDC Bắc Rạch Chiếc, Res 10 JSC phải bàn giao lại toàn bộ diện tích đất cho UBND TPHCM để TP tiến hành thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư thứ cấp theo quy định của Luật Đất đai”.
Thế nhưng người dân nơi đây cho biết, sau khi được giao đất, Res 10 JSC đã chuyển nhượng non quyền đầu tư sử dụng đất cho 8 doanh nghiệp khác, những nhà đầu tư thứ cấp này không chịu bồi thường dứt điểm, chỉ san lấp sơ sài và tiếp tục chuyển nhượng non đất đai của dự án cho nhiều đơn vị, cá nhân khác dưới hình thức “huy động vốn”.
Hiện nay những hộ đã mua các lô đất trong dự án KDC Bắc Rạch Chiếc phải sống trong cảnh đường giao thông lầy lội; điện lưới chưa có phải đấu nối điện tạm vào đồng hồ tổng của Ban Quản lý dự án với giá điện quá cao; bãi chứa xe container gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chủ đầu tư chậm trễ làm văn bản xác nhận xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Giải thích về việc này, ông Trương Văn Quyền, Giám đốc Xí nghiệp TM-XD-DV vận tải (thuộc CTCP DV-VT ô tô 6), cho biết: “Đến nay, chỉ có Res 10 JSC với tư cách nhà đầu tư trục chính chịu trách nhiệm tái định cư, nên UBND TP ưu tiên cấp quyền sử dụng đất khu vực Phước Long A để Res 10 JSC có cơ sở tách đất cho các hộ tái định cư theo diện ưu tiên chính sách thu hồi hồi đất. Còn 8 nhà đầu tư thứ cấp do chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa làm xong hạ tầng nội bộ nên việc xem xét cấp quyền sử dụng đất vẫn còn phải chờ”.
Như vậy, cách trả lời này đã bộc lộ những vấn đề cần xem xét. Khi chưa hoàn thành hạ tầng để bàn giao cho UBND nhưng đã bán đất và có người đến ở là trái với chỉ đạo của Thủ tướng.
Khi các nhà đầu tư thứ cấp chưa được UBND TP xem xét cấp đất thì lấy đâu ra đất để những công ty này bán ra thị trường?