Vậy nguyên nhân nào khiến dự án có quy mô đầu tư 10.000 tỷ đồng này chậm triển khai trong gần 10 năm qua?
Đầu xuôi...
Theo tìm hiểu, khu đất thực hiện dự án Cảng CMH là một cù lao tách biệt với đất liền, trước đây không nằm trong quy hoạch tổng thể khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Nhìn thấy tiềm năng và lợi thế phát triển, VTSC đã thuê tư vấn khảo sát, lập báo cáo đầu tư để xin chủ trương UBND tỉnh BR-VT.
Trên cơ sở đó, năm 2006 UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thỏa thuận địa điểm, giao cho VTSC làm chủ đầu tư dự án, phối hợp với đơn vị tư vấn Portcoast nghiên cứu, lập báo cáo đầu tư với quy mô diện tích khoảng 86,6ha, chiều dài bến 1.200m. Đến năm 2008, Cảng CMH chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch vào nhóm cảng biển số 5.
Cho rằng tỉnh BR-VT thu hồi dự án trái pháp luật, VTSC đã có đơn khiếu nại gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngày 16-11-2017, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tỉnh BR-VT khẩn trương kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của VTSC; báo cáo quá trình giải quyết việc giao và chấm dứt hoạt động dự án lên Thủ tướng trước ngày 30-12-2017. |
“Hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Samsung, Posco, Huyndai, Hanjin, Daewoo, Handong, Korwel... đã bày tỏ quan tâm dự án và mong muốn được gặp và làm việc với chủ đầu tư dự án. Các nhà đầu tư nước ngoài cần khẳng định tư cách pháp lý chủ đầu tư. Từ lý do trên, UBND tỉnh đề nghị Bộ GT-VT xác nhận VTSC là chủ đầu tư...” - công văn của tỉnh BR-VT viết.
Trước yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn và năng lực quản lý chuyên sâu, trên cơ sở ủng hộ của tỉnh, VTSC đã xúc tiến phương án liên doanh với đối tác nước ngoài. Đại diện VTSC cho biết ngày 16-11-2006, dưới sự chứng kiến của UBND tỉnh BR-VT và Bộ trưởng Hàng hải - Đất đai Hàn Quốc, công ty đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư dự án Cảng CMH với các đối tác của Hàn Quốc (Công ty Xây dựng Byuck San, Công ty tiếp vận Dongbu Express, Công ty GS, Công ty Daewoo).
Phía Hàn Quốc sẽ đảm nhận trách nhiệm và chi phí cho khâu thiết kế kỹ thuật Cảng CMH và cùng Việt Nam nghiên cứu, dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng; các điều kiện tự nhiên của cảng; xây dựng cảng, bao gồm cả việc lắp đặt trang thiết bị cảng, hệ thống công nghệ thông tin và quyền điều hành cảng.
Để triển khai xây dựng, phía đối tác đề nghị Việt Nam hoàn tất xây cầu đường nối vào dự án. Sau đó, VTSC còn ký tiếp nhiều biên bản thỏa thuận với đối tác Hàn Quốc về hợp tác đầu tư dự án. Phía Hàn Quốc cũng mở văn phòng tại Việt Nam để khảo sát dự án. “Tại thời điểm đó, số tiền thuê đất khoảng 5,5 tỷ đồng và VTSC có đủ khả năng đóng tiền thuê đất trong 50 năm để tạo tài sản góp vốn cho liên doanh” - đại diện VTSC cho biết.
Ngày 20-9-2010, UBND tỉnh BR-VT cấp giấy chứng nhận đầu tư Cảng CMH (địa điểm xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, diện tích 86,6ha) cho VTSC, với tổng vốn đầu tư 10.235 tỷ đồng. Từ năm 2010-2013, dự án hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác 600m bến. Từ 2013-2015, hoàn thành toàn bộ công trình. Cảng CMH sau khi xây dựng hoàn thành sẽ tiếp nhận tàu 80.000DWT, công suất 1,8 triệu Teu/năm và 1,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Giấy chứng nhận đầu tư dự án cũng cho phép chủ đầu tư thành lập liên doanh với các đối tác nước ngoài theo quy định của pháp luật và cam kết của Việt Nam với WTO.
Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải thi công chậm tiến độ và mới được kết nối tới chân công trình Cảng CMH. Ảnh: Minh Tuấn
Nhưng đuôi không lọt
Tưởng chừng mọi việc suông sẻ sau khi có giấy chứng nhận đầu tư, song dự án Cảng CMH lại gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, ngày 5-11-2010, Chính phủ đã ra Thông báo 294/TB-VPCP gửi UBND tỉnh BR-VT chỉ đạo VTSC “chưa ký kết bất cứ hợp tác, cam kết nào với nước ngoài cho đến khi có ý kiến cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ”.
Theo tinh thần của thông báo chủ đầu tư không thể tiếp tục hợp tác với đối tác Hàn Quốc, có nghĩa dự án sẽ bị ngưng cung cấp tài chính, điều hành. Khó khăn tiếp theo là gánh nặng tiền thuê đất. Theo đó, ngày 3-1-2014, UBND tỉnh BR-VT ra Quyết định 09/QĐ-UBND tính lại tiền sử dụng đất của dự án. Do các quy định xác định giá đất thay đổi so với thời điểm lập dự án, tiền thuê đất đã lên đến 110 tỷ đồng, thay vì 5,5 tỷ đồng như trước.
Theo ông Lưu Minh Phương, Tổng giám đốc VTSC, dự án chậm triển khai thực tế không phải do lỗi chủ đầu tư. Năm 2014 UBND tỉnh mới có quyết định về giá đất thuê cho dự án nên công ty không thể khởi công, không thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh.
Bên cạnh đó, tiến độ làm cầu đường của tỉnh chậm trễ đã khiến dự án rơi vào bế tắc. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải là công trình đầu tư bằng vốn ngân sách. Giai đoạn 1 (2009-2012) song song với giai đoạn 1 của dự án cảng CMH. Tuy nhiên, cho đến nay đường liên cảng mới được kết nối vào chân công trình dự án.
“VTSC đã có hàng trăm văn bản báo cáo chính quyền địa phương về các khó khăn và kiến nghị tỉnh có biện pháp tháo gỡ nhưng không nhận được phản hồi nào, trong khi liên tục bị thanh tra để tiến tới thu hồi dự án” - ông Phương cho biết.
Điều đáng nói, các đoàn thanh tra luận “tội” chủ đầu tư thiếu thuyết phục, chưa đưa ra hình thức xử lý vi phạm. Cụ thể, Kết luận thanh tra 5115/KL-STNMT ngày 2-12-2016 của Sở Tài nguyên - Môi trường BR-VT kết luận: VTSC vi phạm quy định Điểm I, Điểm g, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai 2013 về hành vi vi phạm không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng kể từ ngày giao đất tại thực địa và không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Trong khi về vấn đề này Bộ Tài nguyên -Môi trường cho rằng cơ quan thanh tra chỉ ra vi phạm, song chưa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Theo quy định hiện hành chủ đầu tư có thể xin gia hạn việc sử dụng đất (quy định tại Khoản 12, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP). Đối với hành vi vi phạm không thực hiện nghĩa vụ tài chính, thực tế ngày 29-8-2016 CTCP Aqua One - đơn vị hợp tác đầu tư với chủ đầu tư - đã nộp tiền sử dụng đất với số tiền 88,2 tỷ đồng là đúng quy định pháp luật.