Ông Nguyễn Văn Hoằng và một số hộ dân tại khu phố 6, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vừa có đơn khiếu nại chủ đầu tư khu dân cư (KDC) Phú Thuận là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Cát Toàn về việc trì trệ, bất nhất trong đền bù giải tỏa, tái định cư cho dân. Chúng tôi đã đến địa phương để tìm hiểu sự việc.
8 năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống
Dự án KDC Phú Thuận nằm trên địa bàn phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngày 26-12-2003 UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt quy hoạch chi tiết KDC Phú Thuận tỷ lệ 1/2.000. 5 năm sau, ngày 11-9-2008 UBND tỉnh Bình Dương có công văn cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết KDC này.
Do vậy, ngày 20-5-2009, UBND thị xã Thủ Dầu Một đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích 19,11ha.
Ông Trần Văn Tọa, Giám đốc Công ty Cát Toàn, cho biết: sau 8 năm triển khai, dự án đã đền bù được 75%. Về hạ tầng kỹ thuật, đang thỏa thuận đấu nối vào cửa xả thoát nước, đấu nối hạ tầng giao thông vào các đường lân cận; thỏa thuận cung cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, dịch vụ điện thoại… Việc thỏa thuận đền bù đối với các hộ dân còn lại và việc xây dựng trạm xử lý nước thải dự kiến thực hiện trong năm 2010 đã không thực hiện được.
Đến tận nơi để ghi nhận, chúng tôi thấy hiện nay mặt bằng của dự án chỉ là một khu đất bỏ trống. Chủ đầu tư chỉ mới đền bù, giao đất được 50%. Phía đường Phạm Ngũ Lão nối dài, mới có 5 hộ (trong số gần 20 hộ) giao đất. Phía đường đất và đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, người dân chưa chịu giao đất cho chủ đầu tư.
Những bức xúc chính đáng của người dân
Người dân trong vùng quy hoạch dự án bức xúc về giá đền bù. Ông Nguyễn Văn Hoằng cho biết khu đất của ông chỉ được đền bù giá 300.000 đồng/m2. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, đơn giá đền bù của dự án này được UBND tỉnh Bình Dương căn cứ Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998 của Chính phủ.
Tuy nhiên, đây là quy định về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Dự án KDC Phú Thuận do Công ty Cát Toàn làm chủ đầu tư là một dự án có mục đích kinh doanh nên không thể áp dụng quy định về giá đền bù theo Nghị định 22. Rõ ràng việc triển khai dự án chậm và kéo dài là do lỗi của chủ đầu tư.
Dự án KDC Phú Thuận sau 8 năm triển khai vẫn chỉ là bãi đất trống. |
Bất hợp lý thứ hai là cùng một dự án nhưng chính sách đền bù, tái định cư khác nhau. Người dân ở đường Phạm Ngũ Lão nối dài bị ép giao đất cho chủ đầu tư nhiều hơn, và việc được tái định cư từ đường vào sâu 35m cũng chưa được thực hiện, chỉ mới là lời hứa từ chủ đầu tư.
Bức xúc nhất của người dân nơi đây là đã 8 năm qua phải sống phập phồng vì quy hoạch treo. Ông Nguyễn Văn Hoằng đã giao cho Công ty Cát Toàn 944m2 đất từ năm 2005, còn lại 1.254m2, nay nhà xuống cấp lại không được phép xây dựng, muốn làm thủ tục chia đất cho con cũng không được.
Cũng tình cảnh như vậy, ông Đặng Minh Luận đã giao 831m2 đất cho Công ty Cát Toàn vào năm 2004, còn lại 778m2, nhưng đến năm 2008 xin cấp phép làm nhà, UBND thị xã Thủ Dầu Một không cho, với lý do đất quy hoạch, muốn xây dựng phải phối hợp với Công ty Cát Toàn (?!).
Anh Kiều Vũ Tùng có 184m2 nhà, thuộc diện tái định cư tại chỗ, nay nhà bị ngập nước, hư hỏng, muốn di dời vào phía trong, nhưng chính quyền không cho xây dựng lại nhà. Thấy tình cảnh “sống dở chết dở” của các hộ đã giao đất cho Công ty Cát Toàn, nên các hộ còn lại không tiếp tục giao đất cho chủ đầu tư.
Dự án KDC Phú Thuận đã kéo dài 8 năm, qua 3 đời chủ tịch UBND phường Phú Lợi. Nếu để dự án này triển khai tiếp, UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét lại giá đền bù và công tác tái định cư cho dân, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân bị thu hồi đất.
Căn cứ Khoản 3 Điều 29 Luật Đất đai 2003, nếu sau 3 năm dự án không được thực hiện theo kế hoạch, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố cho dân biết.