Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 - Băn khoăn nguồn vốn và khả năng triển khai

(ĐTTCO) - Ngày 12-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Sử dụng cả vốn tư nhân và đầu tư công
Giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ gồm 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách cùng nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và các hạng mục phụ trợ khác. Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, gồm công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (khoảng 111.000 tỷ đồng). Các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận xét, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá tác động cụ thể đến nợ công nếu vay ODA, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước để làm dự án này. Trong gần 4,2 tỷ USD vốn của ACV rót vào dự án, dự kiến doanh nghiệp phải vay gần 2,63 tỷ USD.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 - Băn khoăn nguồn vốn và khả năng triển khai ảnh 1 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo Luật Quản lý nợ công, dự án này thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh nên sẽ được tính vào nợ công. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc khả năng huy động vốn của ACV và năng lực tài chính của VATM. Đây cũng là băn khoăn của các đại biểu (ĐB) khi thảo luận, nhất là việc giao ACV đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1. 
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) băn khoăn, báo cáo nói ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần.
Vốn đầu tư sân bay Long Thành xác định trong báo cáo tiền khả thi là 16 tỷ USD, trong giai đoạn 1 xác định là 4,779 tỷ USD. Số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD, trước mắt có thể huy động được từ các nguồn vốn khác, nhưng với 11 tỷ USD tiếp theo khả năng sẽ như thế nào? Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn. Bởi nếu không thu xếp được vốn thì đồng nghĩa với việc để triển khai hoàn thành cả công trình sẽ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của công trình.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tán thành chủ trương giao các nhà đầu tư trong nước, nhưng về vốn thì sẽ phải sử dụng cả vốn tư nhân và đầu tư công, gồm vốn tự có, vốn ngân sách, vốn vay trong nước và nước ngoài. “Chúng ta thu hút không khéo thì toàn bộ lợi nhuận về tay tư nhân, còn lỗ thì nhà nước gánh.
Nếu có chủ trương hợp lý, minh bạch, tạo được niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động vốn nhàn rỗi rất lớn của người dân ở trong nước và nước ngoài; chỉ cần bảo đảm nguyên tắc không tham nhũng, lãng phí, không bị lợi ích nhóm và lợi ích sân sau chi phối”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu và cho rằng, nếu ACV đủ lực thì cũng không ngại cạnh tranh lành mạnh.
Tranh luận việc giao ACV đầu tư các hạng mục chính
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, nếu giao trực tiếp cho ACV thì không qua đấu thầu, sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm để triển khai sớm dự án. Tuy nhiên, dù chỉ định ACV trong toàn bộ quá trình đầu tư nhưng chưa chắc đã rút ngắn thời gian, vì bản thân ACV là một doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần chi phối và về nguyên tắc, bất kể một hạng mục công trình nào, sau này triển khai đều phải triển khai đấu thầu.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 - Băn khoăn nguồn vốn và khả năng triển khai ảnh 2 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu tại hội trường
Ảnh: VIẾT CHUNG
Với tổng mức đầu tư cả dự án là 330.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 110.000 tỷ đồng, sẽ có rất nhiều gói thầu phải đấu thầu trong giai đoạn thực hiện. Một trong những lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do mất nhiều thời gian cho việc thực hiện những gói thầu nhỏ trong quá trình triển khai dự án.
ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho rằng chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong việc đầu tư cảng hàng không. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một minh chứng cho thấy tư nhân đều có thể đầu tư cảng hàng không và đã hoàn thành trong một thời gian thần tốc. Về chất lượng, Vân Đồn vừa được bình chọn là một trong số 6 sân bay đưa vào vận hành năm 2019 tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương.
Ngoài ra, giao cho ACV cũng chưa chắc là phương án huy động vốn tốt nhất, vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải đi huy động của các tổ chức tài chính quốc tế. Nếu xảy ra rủi ro, nhà nước vẫn phải gánh chịu. Trong khi đó, nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực tài chính rất lớn và khả năng huy động vốn rất linh hoạt và năng động, luôn luôn sẵn sàng tham gia đầu tư.
Cho rằng cần phải rút kinh nghiệm từ 12 đại dự án thua lỗ khi giao cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, ĐB Hoàng Văn Cường đề xuất cần thuê đơn vị tư vấn tốt nhất để thiết kế và thẩm định dự án này thật chi tiết, từ phương án thiết kế đến tổng mức đầu tư cho cả dự án, từng hạng mục dự án cũng như cơ chế vận hành. Đây chính là đầu bài để kêu gọi đầu tư, đồng thời cũng là cơ sở để sau này giám sát các nhà đầu tư có thực hiện theo đúng chủ trương cũng như mục tiêu xây dựng một sân bay hiện đại hay không.
Mặt khác, Chính phủ nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, có mong muốn, nguyện vọng quan tâm đầu tư các hạng mục dự án cùng ngồi lại với nhau, lấy ACV là hạt nhân để liên kết những nhà đầu tư này nhằm hình thành một tập đoàn đầu tư theo dạng tổ hợp đầu tư khá phổ biến trên thế giới hiện nay.
Trái với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu: Sungroup làm được sân bay Vân Đồn, thì tại sao ACV không làm được hơn Sungroup, vì chúng ta có nguồn lực, có Quốc hội, Chính phủ, có sự chỉ đạo? ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng, theo Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu, việc này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
“Tôi tin tưởng hoàn toàn, vì nó đảm bảo các tiêu chí, Quốc hội không nên quyết định vấn đề này. Chỉ yêu cầu Chính phủ lưu ý việc chọn nhà đầu tư phải đảm bảo vấn đề về an ninh, quốc phòng; đảm bảo tính công nghệ phải hiện đại và tiên tiến; bảo đảm hiệu quả”, ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu.
Giải trình lại ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, xét về hiệu quả đầu tư, không sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và 2. Khi giai đoạn 1 hoàn thành có thể điều tiết tăng lưu lượng hành khách 20 - 25 triệu hành khách/năm, và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên ở khu vực miền Đông Nam bộ tới 85 triệu hành khách/năm.
Trong khi những sân bay khác như Vân Đồn, Cần Thơ, khoảng 10 năm mới được 1 triệu hành khách/năm. Tổng công suất thời điểm đó của sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 là 100 triệu hành khách/năm.
Về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 tư vấn Nhật Bản, 1 tư vấn Hàn Quốc, 1 tư vấn Pháp và 3 tư vấn Việt Nam đã tập trung trong hơn 1 năm qua để hoàn thành dự án. Hiện nay, hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng đã thuê một tư vấn độc lập nước ngoài để thẩm tra, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, để vừa đảm bảo được tổng mức đầu tư sát thực tế, không lãng phí cũng như không trượt giá như những dự án khác.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, ACV hiện có khoảng 25.000 tỷ đồng để tập trung cho sân bay Long Thành. Dù chỉ có 8 trong số 21 sân bay đang quản lý có lãi nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế, ACV vẫn đạt lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng. Từ đây đến năm 2025, ACV sẽ bỏ ra khoảng 30.000 tỷ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 37.000 tỷ đồng để có được nguồn vốn chiếm khoảng 37%.
Phần còn lại, ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và họ sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỷ USD không thế chấp do hiệu quả kinh tế của dự án này hứa hẹn rất cao, các nhà đầu tư nước ngoài thấy yên tâm. Sân bay Long Thành giai đoạn 1 được sử dụng công nghệ hiện đại nhất trong quá trình thực hiện. Nếu phát sinh những công nghệ mới tốt hơn, bộ sẽ báo cáo Chính phủ cập nhật, bảo đảm khi sân bay vận hành giai đoạn 1 hoặc 2, những thiết bị đó phải hiện đại nhất ở thời điểm đó.

Các tin khác