Dự báo nhóm ngành bứt tốc lợi nhuận quý I-2023

(ĐTTCO) - DN niêm yết đang phải đối mặt nhiều thách thức, từ diễn biến phức tạp của thị trường trái phiếu, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số thông tin tích cực đang dần xuất hiện có thể hỗ trợ các DN.
Nhóm dầu khí được dự báo có triển vọng lợi nhuận quý I-2023 khả quan (Ảnh: PVGas)
Nhóm dầu khí được dự báo có triển vọng lợi nhuận quý I-2023 khả quan (Ảnh: PVGas)

Triển vọng lợi nhuận các nhóm ngành trong quý I-2023 vừa được CTCK Agribank (Agriseco) công bố đã phát hoạ phần nào bức tranh này.

Nhìn lại 2022

Theo số liệu thống kê từ Agriseco, lợi nhuận quý IV-2022 của các DN trên cả 3 sàn giảm 32,6% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm mạnh nhất từ sau đại dịch Covid-19. Trong đó, khối tài chính chỉ giảm nhẹ 0,9% về lợi nhuận, trong khi nhóm ngân hàng (NH) lại là điểm sáng với mức tăng trưởng 18%.

Đáng lưu ý là khối phi tài chính có lợi nhuận sụt giảm mạnh lên đến 50% với sự đi xuống của hầu hết các nhóm ngành. Cụ thể, ngành du lịch giải trí vẫn gặp nhiều khó khăn và ghi nhận lỗ trong năm 2022 khi Trung Quốc, thị trường khách du lịch quan trọng hàng đầu vẫn chưa mở cửa trở lại. CTCK ghi nhận lợi nhuận sụt giảm khi thị trường chung giảm mạnh cả về thanh khoản và điểm số. DN thép lợi lỗ nặng do sản lượng sụt giảm bởi nhu cầu suy yếu cả trong và ngoài nước.

Tình chung cả năm 2022, lợi nhuận toàn thị trường chỉ tăng trưởng khiêm tốn 5,9% so với 2021. Trong đó, các nhóm ngành có lợi nhuận tăng trưởng bao gồm dầu khí (tăng 58,2%), hóa chất (tăng 55,8%), NH (tăng 33,7%), điện nước (tăng 28,5%). Ở chiều ngược lại, 2 nhóm ngành suy giảm mạnh nhất về lợi nhuận là thép (giảm 89,7%) và dịch vụ tài chính (giảm 62,9%).

Với nhóm VN30, cả năm 2022, lợi nhuận vẫn tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ, trong đó có 16 DN ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương. Một số DN ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh, như: VRE (tăng 108%), GAS (tăng 70%), BID (tăng 70%). Ở chiều ngược lại, những DN gặp nhiều khó khăn và sụt giảm mạnh về lợi nhuận trong năm 2022 bao gồm: VJC (giảm 2.266%), HPG (giảm 76%), MSN (giảm 53%).

Ngành nào nổi bật nhất?

Dự báo kết quả kinh doanh quý I năm nay, Agriseco chia làm 3 nhóm gồm: tiêu cực (BĐS, thép, phân bón, gỗ, bán lẻ, xây dựng dân dụng), trung lập (ngân hàng, hàng không, thực phẩm đồ uống, chăn nuôi, dược, dệt may, thuỷ sản) và tích cực (dầu khí, điện, lương thực, vận tải dầu, BĐS KCN).

Với nhóm ngành được NĐT quan tâm nhất hiện nay là BĐS, Agriseco dự báo lợi nhuận trong quý I có thể suy giảm vì các yếu tố như: mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái khi sốt đất diễn ra vào thời điểm đầu năm, nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn huy động vốn thắt chặt trong môi trường lãi suất cao, nhiều DN đang phải tái cơ cấu để trả các khoản trái phiếu đáo hạn.

Nhóm ngành có vốn hoá lớn nhất thị trường là NH cũng không được Agriseco đánh giá cao. Theo đó, lợi nhuận có thể tăng chậm lại so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái khi các DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nhu cầu mua nhà sụt giảm đáng kể trong môi trường lãi suất cao. Đặc biệt, chất lượng tài sản của các NH có khả năng suy giảm khi nợ xấu có xu hướng gia tăng trong bối cảnh thị trường BĐS và trái phiếu DN bị kiểm soát chặt chẽ hơn khiến khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng.

Phía ngược lại, nhóm dầu khí được dự báo có triển vọng lợi nhuận quý I khả quan. Nguyên nhân là sau 2 năm 2021-2022 giá dầu bước vào xu hướng tăng và duy trì ở mức cao, giá các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê dàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi đang tăng khá tốt. Dự án Lô B - Ô Môn cũng sẽ mang lại triển vọng tích cực cho các DN thăm dò khai thác dầu khí trong trung dài hạn.

Ngành lương thực cũng được dự báo ghi nhận triển vọng lợi nhuận khả quan nhờ các yếu tố: giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc mở cửa thị trường. Cuối cùng là giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón đang hạ nhiệt mạnh giúp giảm bớt áp lực chi phí nguyên liệu đầu vào.

Với nhóm điện, khả quan nhất là các DN nhiệt điện nhờ giá CGM (giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh) tiếp tục tăng bù đắp cho sản lượng sản xuất giảm. Trong 2 tháng đầu năm 2023, mặc dù sản lượng nhiệt điện than sản xuất đạt 16,47 tỷ KWh giảm 4,6% song giá CGM bình quân là 1.692 đồng/KWh, tăng 21%, sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các DN nhiệt điện.

Các tin khác