1. Kinh tế thế giới chưa khởi sắc
Hàng loạt bất ổn ảnh hưởng tới chính sách thương mại toàn cầu do những hành động đơn phương của Mỹ sẽ vẫn là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế chưa thể khởi sắc trong năm tới, kể cả khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã tạo nên những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng.
Một số nguy cơ bất ổn khác có thể xuất hiện trong năm 2020 cũng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế ở Tây Âu sẽ tiếp tục ảm đạm. Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2020 từ 1,2% xuống còn 1,1%. Kinh tế Eurozone dự kiến sẽ “nhích lên” sau đó với mức tăng trưởng 1,4% trong hai năm 2021 và 2022.
Các thị trường mới nổi cũng sẽ có một năm 2020 đầy khó khăn. Argentina nhiều khả năng sẽ khủng hoảng kinh tế. Brazil và Ấn Độ sẽ phải vật lộn cải cách cơ cấu hệ thống để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
2. Lá bài kinh tế trong bầu cử Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy để đạt được nhiều thỏa thuận thương mại trước khi các cử tri Mỹ đưa ra quyết định về vòng bầu cử năm sau. Ở những lĩnh vực mà đàm phán đang khó có tiến triển, Chính phủ Mỹ có thể sẽ dùng tới những chính sách quyết liệt hơn để tạo thêm lợi thế cho mình.
Tuy nhiên, chiến lược đó cũng sẽ đi kèm rủi ro khiến ông Donald Trump mất đi sự ủng hộ của cử tri nếu như nền kinh tế Mỹ đi xuống. Do đó, yếu tố này có thể sẽ làm Mỹ bớt cứng rắn trong trường hợp một số cuộc đàm phán của họ không thành ở thời điểm quá gần với bầu cử. Tuy nhiên, trong vấn đề Iran và Triều Tiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ không nhân nhượng.
3. Tiếp diễn cuộc chiến thương mại
Mỹ và Trung Quốc khó có thể tiếp tục đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện trong năm 2020 bởi Trung Quốc sẽ không “xuống thang” với Mỹ. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước hoàn tất sẽ có hiệu lực trong năm 2020 nhưng những bất đồng xung quanh việc diễn giải và thậm chí những tiềm ẩn căng thẳng leo thang quy mô nhỏ vẫn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Trump muốn việc đạt được thỏa thuận thương mại là trọng tâm thành tựu trong chính sách thương mại nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào để không dẫn tới sự đổ vỡ của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - châu Âu sẽ tạm đình trệ do bất đồng xung quanh vấn đề nông sản và Mỹ sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa châu Âu.
4. Chạy đua giành ưu thế công nghệ
Cuộc cạnh tranh giành ưu thế công nghệ giữa châu Âu, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục. Với việc xây dựng hạ tầng và ra mắt công nghệ dữ liệu mạng 5G sẽ mở rộng đáng kể trong năm 2020, Mỹ sẽ duy trì sức ép đối với tập đoàn Huawei của Trung Quốc bằng cách kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu nhằm hạn chế Huawei tiếp cận với các hãng cung cấp linh kiện công nghệ của Mỹ. Washington cũng sẽ hối thúc các đồng minh đưa ra rào cản đối với công ty này.
Trong khi đó, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ đều hỗ trợ các công ty công nghệ của mình bằng cách sử dụng hàng loạt các cơ chế hỗ trợ và hạn chế đầu tư nước ngoài. Châu Âu sẽ mở rộng các quy định áp dụng đối với các công ty công nghệ của Mỹ vào năm 2020. Để đáp trả, Washington sẽ mở thêm nhiều cuộc điều tra liên quan tới cách ứng xử chống cạnh tranh và rất có thể sẽ áp dụng các đòn trừng phạt thương mại.
5. Nguy cơ biến đổi khí hậu
Các chính phủ cũng như doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt nguy cơ tình trạng biến đổi khí hậu sẽ phá hủy hạ tầng kinh doanh và sớm hay muộn, các chính phủ cũng buộc các công ty phải chịu trách nhiệm đối với các thảm họa thiên nhiên, hay tình trạng ô nhiễm đang ngày càng làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Lợi nhuận và tăng trưởng của các công ty trong tương lai cũng bị ảnh hưởng do phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các loại năng lượng tái tạo ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.
Theo dự báo của Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2020 có thể sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục mới, với dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ cao hơn 1,1 0C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.