Đủ cách hành doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Năng lực cạnh tranh của Việt Nam qua xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới đã tăng thêm 3,5 điểm và 10 bậc (từ thứ hạng 77 lên thứ hạng 67). Thế nhưng, nền tảng tăng trưởng của Việt Nam vẫn thiếu bền vững. 

Nhiều quy định, chính sách đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thanh tra quản lý… vẫn đang làm khó doanh nghiệp. Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại cuộc họp năng lực cạnh tranh Việt Nam, kết quả và những thách thức cho doanh nghiệp, diễn ra ngày 24-10 do Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương tổ chức tại TPHCM.

Chồng chéo trong quản lý

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, cho biết, việc tăng bậc phát triển kinh tế Việt Nam xuất phát từ việc Việt Nam đã điều chỉnh quy định, chính sách cho phù hợp với quốc tế sau khi gia nhập Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Chính phủ đã làm tốt việc cập nhật, minh bạch thông tin tình hình đầu tư, môi trường kinh doanh… cho các tổ chức quốc tế. Mặt khác, những trụ cột kinh tế như thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, ứng dụng công nghệ thông tin, thị trường sản phẩm, lao động, quy mô thị trường, mức độ năng động trong kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo… của Việt Nam cũng đang cải thiện tích cực về điểm số và thứ hạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực đạt được, vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế, bất cập. Những yếu tố như y tế, hạ tầng, hệ thống tài chính vẫn đang bị đánh giá tụt hạng so với năm 2018. Đặc biệt, kỹ năng người lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng được đánh giá rất thấp. Rào cản phi thuế quan và tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là điểm trừ rất lớn cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.

Đủ cách hành doanh nghiệp ảnh 1 Dệt vải tại một doanh nghiệp ở quận 12, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, hiện có đến gần 2.900 điều kiện kinh doanh không hợp lý. Trong đó, những điều kiện kinh doanh mang tính chất mù mờ, chung chung mà việc xác định như thế nào lại phụ thuộc rất lớn vào cảm nhận chủ quan của lực lượng quản lý, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI), cho biết, chỉ tính riêng trong quý 3-2019, VCCI tiếp nhận 333 kiến nghị của doanh nghiệp. Trong đó, tập trung chủ yếu đề nghị giải thích chính sách pháp luật và yêu cầu sửa đổi chính sách do có sự chồng chéo trong quy định pháp luật môi trường kinh doanh. Bộ Tài chính là đơn vị nhận được nhiều kiến nghị nhất. Kế đến Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng và Bộ LĐTB-XH.

Có tình trạng lạm quyền?

Cũng theo bà Minh Thảo, đang có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó cho doanh nghiệp. Cụ thể, cùng vấn đề kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, trước chỉ do Bộ LĐTB-XH chứng nhận nhưng hiện lại phân công thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 9 bộ quản lý nhà nước.

Sự “phân quyền” quản lý kiểm tra chuyên ngành giữa các bộ ngành cũng đang rất bất cập, chồng chéo. Đơn cử, cùng một mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ nhưng nếu có công suất nhỏ hơn 90.000 BTU thì thuộc quản lý của Bộ KH-CN nhưng nếu lớn hơn công suất trên thì do Bộ LĐTB-XH quản lý.

Nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương cho thấy, nhiều bộ ngành còn “lợi dụng” chủ trương cải cách của Chính phủ (cắt giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành) để thêm vào quyền lợi quản lý của mình bằng cách ban hành danh mục hàng hóa nhập khẩu mới.

Ông Đặng Thái Thiện, Cục Hải quan TPHCM, nhấn mạnh, trước đây, Bộ LĐTB-XH không quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng nhập khẩu nhưng với Thông tư 22/2018/TT-BLĐTBXH, bộ đã ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 với việc bổ sung danh mục nhiều hàng hóa phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Không chỉ vậy, có những mặt hàng bộ chỉ định đơn vị kiểm định Cục An toàn lao động trong khi mặt hàng này doanh nghiệp phía Nam lại nhập khẩu rất nhiều nên gây khó, tốn kém chi phí và thời gian cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu.

Một số danh mục hàng hóa được các bộ báo cáo là bãi bỏ kiểm định trước khi thông quan nhưng thực chất là chuyển sang hình thức kiểm tra sau thông quan. Như vậy, về hình thức thì có thể khác nhau nhưng tần suất kiểm tra vẫn giữ nguyên. Ngay cả quy định về kiểm tra formaldehyte trên các sản phẩm dệt may, trước đó Bộ Công thương tuyên bố chính thức bãi bỏ nhưng chỉ sau một năm, bộ ban hành Thông tư 21/2017/TT-BCT quy định kiểm tra formaldehyte khắt khe hơn.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại với hoạt động thanh kiểm tra hiện nay. Dù tần suất thanh kiểm tra giảm 1 lần/năm nhưng giữa các cơ quan chức năng không phối hợp để kiểm tra mà tổ chức thanh kiểm tra chuyên ngành riêng, nên tình trạng trùng lắp nội dung vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, chi phí phi chính thức vẫn là vấn nạn đang tồn tại.

Chính phủ đã có rất nhiều cuộc họp, chủ trương, chính sách, chỉ đạo các bộ quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt phải cắt giảm những rào cản đầu tư, kinh doanh, thủ tục, quy định kiểm tra chuyên ngành... Thế nhưng, phải thấy rằng, con đường từ lời nói đến thực thi vẫn đang rất dài.

Các tin khác