Sở hữu chiều dài bờ biển hơn 192km, với nhiều thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng, tỉnh Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn mà mục tiêu hướng tới là trở thành điểm đến hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đến nay lĩnh vực du lịch ở đây chưa thể khai thác hết tiềm năng và phát huy hiệu quả cao nhất vì nhiều dự án đăng ký đầu tư bị chồng lấn quy hoạch dự trữ khoáng sản titan.
Hàng trăm dự án dừng triển khai
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan (gọi tắt là quy hoạch titan) giai đoạn đến năm 2020 (xét đến năm 2030) của Chính phủ thì Bình Thuận có gần 600 triệu tấn titan, chiếm 92% tổng trữ lượng của cả nước. Trong đó, diện tích đã đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác quặng titan đến năm 2020 là gần 20.000ha và được chia thành 26 khu vực, chủ yếu ở khu vực ven biển với trữ lượng khoảng 133 triệu tấn.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận Võ Thành Huy, cho biết, theo định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, gần như các khu vực ven biển đều nằm trong quy hoạch phát triển du lịch (với chiều sâu tính từ bờ biển vào trong đất liền khoảng từ 500 - 1.000m).
Thế nhưng, quy hoạch titan hầu hết nằm chồng lấn với quy hoạch du lịch, đặc biệt nhiều nhất tại các khu vực đã được quy hoạch phát triển thành Khu du lịch quốc gia Mũi Né, như: xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong); xã Hòa Thắng, Hồng Phong (huyện Bắc Bình); xã Thuận Quý, Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) và xã Tân Thắng, Thắng Hải (huyện Hàm Tân).
“Từ năm 2007 trở về đây đã có hàng trăm dự án du lịch phải dừng triển khai vì phải chờ khai thác khoáng sản titan, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển du lịch của địa phương”, ông Võ Thành Huy nhấn mạnh.
Mới đây, thông tin một số nhà đầu tư chiến lược đăng ký triển khai các dự án nghỉ dưỡng cao cấp ở phân khu du lịch cao cấp nằm tại xã Hòa Thắng và Hòa Phú (huyện Bắc Bình) với quy mô từ 500 - 1.000ha, khiến nhân dân và chính quyền địa phương rất phấn khởi. Thế nhưng, do bị chồng lấn quy hoạch titan, các dự án đăng ký chưa thực hiện được thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục liên quan khác.
Tại khu vực trên, nhiều dự án trọng điểm bị chồng lấn gần hết diện tích được đăng ký, như: dự án Khu đô thị du lịch biển Hòa Thắng - Mũi Né diện tích hơn 1.000ha thì có 778ha chồng lấn; dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam diện tích 1.142ha, thì có 1.067ha chồng lấn…
Ưu tiên du lịch
Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, hiện nay tỉnh có 4 mỏ titan được cấp phép khai thác, tuy nhiên vẫn trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục trước khi được tuyển quặng.
UBND tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, phần lớn những khu vực quy hoạch titan đều nằm ven biển và chồng lấn với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xung đột với lợi ích cộng đồng, phá vỡ cảnh quan trong quá trình khai thác ở Bình Thuận. Trong khi đó, ven biển tỉnh này có nhiều danh thắng, điểm du lịch nổi tiếng đã hình thành và phát triển trước khi Chính phủ phê duyệt thành khu dự trữ khoáng sản.
Vì vậy, để khai thác các tiềm năng, sử dụng hiệu quả đất đai, phát huy lợi thế trục đường ven biển, đưa nơi đây trở thành trung tâm du lịch, năng lượng tái tạo tầm cỡ, tỉnh đã nhiều lần "kêu cứu" bằng việc đề nghị xin điều chỉnh quy hoạch titan từ 26 khu vực xuống còn 13 khu vực (tổng cộng 9.800ha). Đối với một số khu vực khác vẫn nằm trong quy hoạch dự trữ quặng titan, sau rà soát, Bình Thuận đề xuất điều chỉnh kéo dài thời gian thăm dò, khai thác, chế biến từ 50-70 năm. Trong thời gian này, cho phép tỉnh được chấp thuận đầu tư các dự án xây dựng, du lịch... để tránh lãng phí đất đai, đem lại việc làm cho người dân.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận vào đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chia sẻ với tỉnh về điểm nghẽn bức xúc: thực trạng khai thác titan rất kém hiệu quả, do chủ yếu xuất thô (hoặc sơ chế), ngân sách nhà nước không thu được bao nhiêu, mà môi trường sinh thái bị tàn phá. Đoàn công tác của Quốc hội đồng tình với đề xuất “để dành” nguồn khoáng sản titan quý hiếm này cho các thế hệ sau khai thác.
Trong thời gian này, có thể làm du lịch, năng lượng tái tạo vừa giữ được môi trường sinh thái, tài nguyên khoáng sản, vừa phát huy được tiềm năng lớn về du lịch và những lĩnh vực lợi thế của Bình Thuận.
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, dẫn đầu, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thông tin: toàn tỉnh hiện có 51 dự án đầu tư tập trung lĩnh vực du lịch và năng lượng tái tạo, với tổng vốn đăng ký hơn 110.600 tỷ đồng, được UBND tỉnh thống nhất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Thế nhưng, hơn 15.000ha của các dự án này lại nằm trong vùng quy hoạch titan. Đáng nói, các dự án này đều phù hợp với định hướng phát triển cũng như mục tiêu xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia và trung tâm năng lượng của cả nước, nhưng do vướng quy hoạch titan nên các dự án này chưa thể triển khai, trở thành rào cản lớn, khiến kinh tế - xã hội địa phương tắc nghẽn. |