(ĐTTCO) - Việc bàn giao bộ tiêu chuẩn nghề VTOS phiên bản 2013 với những cập nhật về số lượng nghề sẽ là cơ sở, nền tảng để ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch, qua đó thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập thị trường lao động ASEAN của ngành du lịch Việt Nam.
Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” do Liên minh Châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU-ESRT) đã chính thức bàn giao bộ tài liệu song ngữ “Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam - VTOS phiên bản 2013” cho Tổng cục Du lịch.
Bộ tiêu chuẩn phiên bản mới bao gồm 6 lĩnh vực nghề chính là Lễ tân, Phục vụ buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành Du lịch & Đại lý lữ hành và Hướng dẫn du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng mở rộng cho 4 lĩnh vực nghề chuyên biệt đáp ứng các nhu cầu cao của ngành gồm: Thuyết minh du lịch, Phục vụ trên tàu thủy du lịch, Quản lý khách sạn và Vận hành cơ sở lưu trú nhỏ.
Tiêu chuẩn nghề VTOS đề cập những chuẩn mực thực tiễn tối thiểu cần thiết để thực hiện công việc hiệu quả trong lĩnh vực du lịch/khách sạn, bao gồm cả các yêu cầu điều lệ (pháp luật, sức khỏe, an toàn, an ninh).
Những tiêu chuẩn này cũng xác định cụ thể những gì người lao động cần biết và làm được cũng như cách thực hiện để có thể hoàn thành chức năng công việc cụ thể trong bối cảnh môi trường làm việc. Ngoài ra, nó còn bao gồm các đơn vị năng lực về Du lịch có trách nhiệm phù hợp với nhiều công việc trong tất cả các lĩnh vực nghề.
Tiêu chuẩn VTOS phiên bản 2013 được xây dựng tương thích với Tiêu chuẩn Năng lực chung về nghề Du lịch trong ASEAN và đáp ứng các quy định của Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP), đảm bảo yêu cầu hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2016.
Tiêu chuẩn VTOS phiên bản 2013 có thể được sử dụng cho công tác đào tạo của các doanh nghiệp từ quy mô vừa và nhỏ, các khách sạn, các công ty du lịch và lữ hành, cũng như để xây dựng giáo trình đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục, đào tạo.