Liên tiếp trong các số báo vừa qua, loạt bài trên mục Chủ điểm - Sự kiện của ĐTTC đã phân tích thực trạng du lịch Việt Nam, từ việc chúng ta không tận dụng được tiềm năng của cảnh quan, di sản phong phú, cho đến việc thiếu nguồn lực, liên kết và cách làm hấp dẫn.
Theo tôi, những điểm yếu này của ngành du lịch, ngoài những vấn đề đã được đề cập, có thể thấy việc các địa phương “bất tuân thượng lệnh”, không để ý đến quy hoạch tổng thể, tự phát triển theo ý mình là một trong những nguyên nhân khiến du lịch nước ta thiếu hấp dẫn, không giữ chân được du khách.
Thế mạnh của du lịch nước ta là du lịch di sản với một hệ thống phong phú di sản vật thể, phi vật thể trải dài khắp đất nước. Cùng với đó là những danh lam thắng cảnh không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Tuy nhiên, khi xét về điểm “độc” và “lạ”, đặc biệt ở các địa phương gần nhau lại gần như không có. Thí dụ, du lịch biển các tỉnh đều có những sản phẩm giống nhau, tạo nên sự nhàm chán cho du khách.
Điều này khiến du khách chỉ cần tham quan Nha Trang cũng có thể biết sản phẩm du lịch của Phú Yên hay Bình Thuận là gì mà chẳng cần phải đi đến đó. Hoặc du lịch làng nghề Hà Nội, hàng trăm làng nghề có cùng một kiểu, đến thăm một vài hoạt động, mua vài sản phẩm na ná nhau không có gì đặc sắc và đi về. Hay một trường hợp khác hiện nay ngành du lịch đang tập trung đầu tư là bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Với lợi thế có núi, có biển, có hệ sinh thái đa dạng phong phú, Sơn Trà có thể phát triển không thua kém Vườn quốc gia Caramoan của Phillippines, Kenting của Đài Loan… Nhưng để thăm thú Sơn Trà, chỉ có cách duy nhất là lên xe đi vòng vòng ngắm cảnh, mặc dù Đà Nẵng đã được mệnh danh là TP du lịch hàng đầu của nước ta.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn hay đổ lỗi cho quy hoạch, quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng miền… Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất chính là dựa trên quy hoạch, mỗi địa phương phải tìm cho mình được nét độc đáo riêng không thể trộn lẫn, từ đó có sự kết nối, tạo ra dịch vụ chuyên nghiệp, hoàn hảo để không chỉ thu hút mà còn phải giữ chân được du khách. Một chuyên gia về du lịch đã từng chia sẻ nhiều địa phương đã cố tình “làm trước” khiến cho việc thực hiện quy hoạch trở nên khó khăn, vất vả hơn rất nhiều.
Nhiều địa phương cũng thiếu hụt nguồn lực có đủ tầm nhìn để có thể tìm cho du lịch một con đường đi dài hơi, thay vì các hoạt động chắp vá, chủ yếu ăn vào tài nguyên là chính, thiếu dịch vụ, sự kết nối và thiếu trùng tu, bảo vệ. Đây có lẽ mới là điểm khó, gian truân nhất ngành du lịch phải làm, bởi không có những nền tảng, hành động cụ thể từ các địa phương, nhìn tổng thể, du lịch nước ta vẫn chắp vá, manh mún. Để làm được điều đó, chắc chắn không thể 1 bản quy hoạch tổng thể hay 1 bản quy hoạch vùng là có thể bao quát và điều chỉnh hết được.
(Hà Nội)