Du lịch tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) có tín hiệu khởi sắc trở lại khi đã có khách du lịch vào cuối tuần. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Tín hiệu khả quan
Những vị khách đầu tiên đến tham quan Di sản Huế trong những ngày đầu tháng 10-2021 như thắp thêm hy vọng cho ngành du lịch Thừa Thiên - Huế. Anh Mai Hòa, hướng dẫn viên du lịch tại Huế, háo hức: “Cứ đà này, sắp tới du khách về Huế sẽ nhiều hơn. Hy vọng, thời gian tới sẽ được đi làm trở lại đúng nghề nghiệp mà mình yêu thích”.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, đã mở cửa đón khách tham quan các di tích Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định từ ngày 1-10 và di tích Cung An Định từ ngày 4-10. Trước mắt, các di tích chỉ phục vụ tham quan ngoài trời, không tham quan nội thất. Đồng thời, công tác phòng chống dịch Covid-19 được cán bộ nhân viên thực hiện nghiêm ngặt.
Hiện đa số khách đến TP Hội An (Quảng Nam) tham quan, nghỉ dưỡng là các gia đình trẻ, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Họ đến trong ngày hoặc nghỉ lại 1 đêm vào cuối tuần. Anh Trần Minh Phúc (20 tuổi, trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều tháng qua anh không được du lịch đó đây. Hiện TP Hội An là nơi an toàn, giá dịch vụ lại khá hấp dẫn nên anh cùng bạn bè đến vui chơi, nghỉ qua đêm tại một homestay.
Hiện các bảo tàng tại Đà Nẵng đang tổ chức nhân lực, quay lại làm việc trực tiếp. Anh Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết, ngoài việc duy trì công tác bảo quản, vệ sinh hiện vật trưng bày, đơn vị đang lên kế hoạch xây dựng chương trình hoạt động công chúng từ nay đến cuối năm 2021. Trước mắt là kế hoạch tổ chức Ngày hội di sản văn hóa năm 2021.
Tương tự, ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết, đã hoàn thiện phương án tham mưu UBND tỉnh này thí điểm mở cửa, đón khách du lịch nội địa đến bán đảo Phương Mai (TP Quy Nhơn) dự kiến từ ngày 1-11. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp du lịch có đề xuất, tạo các gói du lịch an toàn, hấp dẫn, chi phí vừa phải để thu hút du khách về tỉnh góp phần thực hiện hiệu quả mô hình thí điểm du lịch đầu tiên của tỉnh này.
Còn tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh này thông tin, từ nay đến 16-10, Khánh Hòa lên kế hoạch kiểm tra các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trong khu vực vùng xanh, an toàn để thực hiện kích cầu du lịch nội địa. Sở Du lịch sẽ tổ chức du lịch theo tour với dạng khép kín, bố trí các khu xa dân cư, biệt lập, theo hướng điểm đến an toàn, thân thiện. Đồng thời, tỉnh có tờ trình gửi Bộ VH-TT-DL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” trên các chuyến bay thuê bao trọn gói đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bãi Dài ở huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh từ tháng 11-2021. Sau đó, ngành du lịch mở rộng ra các khu du lịch nằm trên đảo, có tính biệt lập và xa khu dân cư. Đồng thời, tỉnh ưu tiên đón khách quốc tế ở những nước đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, có thời gian nghỉ dưỡng dài ngày như Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Tổ chức lại trong quy trình an toàn mới
Kể từ đầu tháng 10, một số dịch vụ trong ngành du lịch tại miền Trung dần được xem xét để có thể mở cửa trở lại như dịch vụ ẩm thực, nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, khách sạn hay một số điểm tham quan du lịch… Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine Covid-19 trên địa bàn đạt từ 80% trở lên, TP Đà Nẵng sẽ mở các dịch vụ, du lịch cho người địa phương. Từ tháng 1-2022, sẽ mở cửa cho khách nội địa với tất cả dịch vụ dành cho khách lẻ và công bố vài combo dành cho nhóm nhỏ. Khi Chính phủ cho phép, đến quý 2-2022, TP Đà Nẵng sẽ thí điểm đón khách quốc tế. Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, lượng du khách từ các địa phương phía Nam lâu nay luôn chiếm tỷ trọng cao trong lượng khách đến với Hội An. Ngành du lịch Hội An rất chú trọng đến lượng khách này khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Nhìn từ phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Khoa, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Jack Tran Tours (Hội An), cho rằng, khi các địa phương nối lại đường bay trong nước thì đây là một tín hiệu tích cực không chỉ riêng du lịch Hội An mà cho ngành du lịch cả nước. Các doanh nghiệp du lịch đều chờ đợi điều này từ lâu. Song để thu hút khách du lịch, theo ông Khoa, vẫn do doanh nghiệp chủ động có nhiều phương thức khuyến mãi để bức tranh du lịch nhộn nhịp trong điều kiện đáp ứng các nguyên tắc phòng chống dịch.
Khách tham quan chụp ảnh nghệ thuật tại Đại nội Huế sau khi di tích này mở cửa đón khách trở lại vào ngày 1-10. Ảnh: VĂN THẮNG
Đề xuất hướng khai thác du lịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, trước tiên là phục hồi khách nội tỉnh, các hoạt động, quy trình sẽ được áp dụng như thời điểm chưa bùng phát đợt dịch thứ 4; tiếp đến là đón khách nội địa và sau đó là khách quốc tế. Tuy nhiên, đón khách nội địa hiện đang thiếu quy trình chung giữa các ngành du lịch, giao thông, y tế. Trong đó, những vấn đề phát sinh là di chuyển như thế nào khi qua vùng có dịch, quy định về cách ly, đối tượng khách được phục vụ…
Từ tháng 9-2021, tỉnh Lâm Đồng đã cho phép đón khách du lịch nội tỉnh với 50% công suất. Tuy nhiên, với tâm lý phòng dịch cũng như những quy định, thủ tục rườm rà nên hoạt động du lịch tại địa phương này chưa có sự phục hồi rõ ràng. Bởi du khách muốn đến Lâm Đồng phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành và có hợp đồng bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch theo quy định; phải tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 thời gian không quá 12 tháng...
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, những thay đổi mới trong việc phòng chống dịch bệnh, nhất là khi “lá chắn xanh” mang tên vaccine đã được tiêm nhiều hơn, du lịch vì thế cũng phải có cách tiếp cận nhanh và cần được tổ chức lại trong quy trình an toàn mới.