Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, từ ngày 22-2, Agribank đồng loạt giảm lãi suất cho vay bằng VNĐ với mức giảm bình quân từ 1 - 1,5%/năm đối với mọi đối tượng khách hàng vay vốn.
Theo đó, đối với lãi suất cho vay ngắn hạn cụ thể như sau: Chi phí sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đối với hộ sản xuất, lãi suất cho vay thấp nhất 15,5%/năm; chi phí sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm và chi phí sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa khác, lãi suất thấp nhất 14,5%/năm.
Chi phí sản xuất, thu mua, chế biến hàng nông sản thực phẩm tiêu dùng trong nước, chi phí cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, lãi suất thấp nhất 16,5%/năm; chi phí sản xuất kinh doanh đối với các ngành nghề khác là 17%/năm.
Đối với lãi suất cho vay trung hạn, lãi suất cho vay thấp nhất từ 17-18,5%/năm; dài hạn là 19%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất, lãi suất cho vay thấp nhất cũng là 19%/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank cho biết, việc giảm lãi suất cho vay trên diện rộng, đối với hầu hết khách hàng vay vốn là sự chia sẻ lợi ích tài chính của Agribank đối với cộng đồng khách hàng mà chủ yếu là các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn vốn vay của Agribank để sản xuất kinh doanh các ngành nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn.
Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 4 ngân hàng thương mại lớn vào cuộc giảm lãi suất cho vay là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank.
Theo ông Bảo, 4 ngân hàng này chiếm khoảng từ 55-60% thị phần, cho vay chủ yếu các tập đoàn kinh tế lớn, chắc chắn mặt bằng lãi suất sẽ được kéo xuống. “4 ngân hàng này cộng với nhiều ngân hàng có chất lượng tốt đều nằm ở nhóm 1 thì tôi tin rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm dần trong thời gian ngắn,” ông Bảo khẳng định.
Ông Bảo cho biết thêm, tổng số vốn cho vay tăng thêm trong năm 2012 của Agribank khoảng 54.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011.
Trong đó, cho vay ngắn hạn tăng thêm trong năm 2012 là khoảng 44.000 tỷ đồng phục vụ chi phí sản xuất - kinh doanh; vốn trung, dài hạn tăng thêm 10.000 tỷ đồng, tập trung vào đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến nông thủy sản, chăn nuôi với công nghệ cao; chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; cho vay kinh tế trang trại và hộ sản xuất.
Agribank dự kiến tổng dư nợ cho vay tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2011. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 15 - 18%; chiếm tỷ trọng hơn 70%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Bên cạnh đó, Agribank sẽ giảm dư nợ và tỷ trọng cho vay phi sản xuất (đối với lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng), tập trung chủ yếu vào cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank sẽ đẩy mạnh huy động vốn từ nền kinh tế trong nước và nước ngoài; tập trung mọi nguồn vốn huy động và nguồn thu nợ từ cho vay lĩnh vực phi sản xuất chuyển sang để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho vay xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Được biết, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31-12-2011 của Agribank là 443.476 tỷ đồng, (tăng 7%) so với năm 2010. Trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là: 301.608 tỷ đồng, chiếm 68,01%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tăng 39.341 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng là 15% so với đầu năm.