Rầm rộ kinh doanh theo chuỗi
Báo cáo được Vietnam Report đưa ra gần đây chỉ ra rằng, kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam vẫn đang chứng tỏ sức hút lớn nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng (ước đạt 45 triệu người vào năm 2025) và chi tiêu cho thực phẩm đồ uống (F&B) hiện chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 35% trong cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng Việt.
Thống kê của Dcorp R-Keeper Việt Nam, cả nước hiện có đến 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ, 7.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và trên 80.000 nhà hàng được đầu tư, phát triển một cách bài bản. Qua từng năm, con số này tăng lên một cách nhanh chóng và đáng kể.
Như đánh giá từ Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV), cho tới thời điểm hiện tại, F&B vẫn đang là một ngành hấp dẫn, thu hút đầu tư của các DN, nhất là DN nước ngoài. Đơn cử tại thị trường TPHCM, ngoài các chuỗi F&B nội địa đã có rất nhiều thương hiệu kinh doanh thức ăn ngoại phát triển hệ thống với đầy đủ nhà hàng theo phong cách ẩm thực Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa, Nhật Bản, Mỹ…, gồm những tên tuổi nổi bật như Lotteria (Hàn Quốc), KFC (Mỹ); đến hàng loạt chuỗi nhà hàng Kichi Kichi, Sumo BBQ, Ashima, Vuvuzela…
Các chuỗi cửa hàng F&B thường đông khách vì hợp xu thế.
Bên cạnh đó, còn có hàng trăm ngàn quán kinh doanh từng món ăn của các vùng miền trên cả nước quy tụ về TPHCM. Đáng chú ý, hầu hết các thương hiệu ẩm thực đều tập trung hoạt động tại khu vực trung tâm, nhất là các quận 1, 3, 5, 7 và địa điểm đặt đều nằm trong những trung tâm thương mại, tòa nhà có quy mô lớn như Vincom, Takashimaya, Bitexco...
Theo giới kinh doanh F&B, với thị trường hơn 95 triệu dân và có độ tuổi dân số trẻ, Việt Nam thực sự là mảnh đất màu mỡ và đầy tiềm năng cho lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Bởi vậy, họ đang không ngừng tìm mọi cách để mở rộng và phát triển hệ thống chuỗi của mình. Về kinh doanh F&B theo chuỗi, với mô hình cửa hàng, nhà đầu tư thường chọn các món ăn vùng miền để phát triển; ngoài hệ thống bán phở thường thấy xưa nay thì gần đây người tiêu dùng dễ dàng tìm được các món vốn là món ăn dân dã như bún mắm, bún bò, bún riêu, bún đậu mắm tôm,…
Còn mô hình kinh doanh linh động thì chọn các món ăn nhanh từ bánh mì chả cá, cháo sườn, xôi, xôi chiên, đến các loại thức uống mang đi. Với mô hình bán ngoài đường, nhà đầu tư trang bị hệ thống xe đẩy có đầy đủ trang thiết bị và sử dụng lực lượng bán hàng là sinh viên làm bán thời gian. Tất cả cho thấy sự sáng tạo và tính toán của nhà đầu tư rất mạnh bạo.
Tạo khác biệt để giữ chân khách hàng
Khi các mô hình F&B ngày càng nở rộ thì mức độ cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn. Từ đó, sự khác biệt được mỗi DN chú ý khai thác, từ hình thức, dịch vụ, đến giá cả, bên cạnh yếu tố chất lượng của món ăn. Theo đó, để giữ chân khách, những DN lớn thường chọn vị trí đẹp tại các trung tâm thương mại sầm uất hoặc ở siêu thị có diện tích rộng nhằm tận dụng lượng khách hàng tới mua sắm, trải nghiệm dịch vụ tại đây. Chẳng hạn như Cơm tấm Cali, ngoài tự phát triển cửa hàng ở nhiều đường lớn trên địa bàn TPHCM còn mở thêm tại các trung tâm thương mại lớn như SC VivoCity. Hay, chuỗi nhà hàng lẩu Thái - Nhật - Hàn là Hotpot Story cũng “phủ sóng” rộng rãi ở những trung tâm thương mại lớn như Takashimaya, SC VivoCity…
Bên cạnh đó, các chuỗi F&B còn phải luôn đổi mới, tạo sự khác biệt so với đối thủ mới mong giữ được lượng khách hàng ổn định. Như chia sẻ của đơn vị kinh doanh chuỗi nhà hàng lẩu Thái Coca Restaurant, nếu như cách đây hơn chục năm món lẩu là xu hướng được ưa chuộng của thực khách TPHCM thì nay với sự phát triển của món Nhật, món Hoa…, mức độ quan tâm đến món lẩu đã giảm nhiệt khá nhiều. Để cạnh tranh, chuỗi nhà hàng này ngoài đầu tư chất lượng cho món lẩu đặc trưng còn phải liên tục thay đổi món ăn nhằm tránh sự nhàm chán, đơn điệu và giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch RAV, cho rằng cái khó lớn nhất với một chuỗi F&B là mô hình đầu tư; lúc mở ra ai cũng cho rằng mô hình của mình hay, tuyệt vời, nhưng nếu ý tưởng của mô hình không phù thuộc với xu thế thị trường thì sẽ thất bại. Chẳng nói đâu xa, cách đây vài năm có mô hình trà sữa do hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt nên cứ mở ra là thành công. Tuy nhiên, với những mô hình cà phê thì lại không có được thành công như vậy, đã có không ít chuỗi cà phê sau khi mở rầm rộ đã phải âm thầm đóng cửa rút lui khỏi thị trường.
Ngoài ra, việc không duy trì được chất lượng dịch vụ cũng là nguồn cơn của sự ra đi, lụi tàn của không ít thương hiệu, dù trước đó rất đình đám trên thị trường. Điều này, không ai khác, chính người tiêu dùng là giám khảo và quyết định, bởi họ là người cảm nhận rõ nhất. Cũng cùng thương hiệu nhưng chất lượng dịch vụ cũng như sản phẩm tại từng cửa hàng lại rất khác nhau. Trong khi chỉ cần một lần sử dụng dịch vụ cảm thấy không hài lòng về chất lượng, thì có thể khách sẽ không bao giờ ghé đến bất kỳ cửa hàng nào của hệ thống ấy nữa.