Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang kéo thêm nhiều nước vào vòng xoáy, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (ảnh) đã "bày tỏ quyết tâm bảo vệ EUR và gánh vác những trách nhiệm đặc biệt ở châu Âu".
Đức hiện là trụ cột, đồng thời được coi là động lực thúc đẩy và giữ vai trò quyết định trong việc giải quyết vấn đề nợ công của Eurozone. Tuy nhiên, theo đánh giá nhà đầu tư có uy tín nhất thế giới George Soros, vai trò của nước Đức trong việc dẫn dắt các nền kinh tế châu Âu vượt qua khủng hoảng nợ công cho đến thời điểm này vẫn còn khá mờ nhạt.
Trọng trách bất đắc dĩ
Để duy trì đồng euro và liên minh tiền tệ, Đức đang trở thành chủ nợ của Eurozone - vai trò mà Berlin bị "ấn" vào tay. Một trong những bước đi mà Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện để xử lý cuộc khủng hoảng nợ là thành lập Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), nhận những mệnh lệnh từ Đức, nước chủ nợ chính.
Trong khi hầu hết các nền kinh tế châu Âu đang trong thể trạng ốm yếu kể từ năm 2008, kinh tế Đức lại nhanh chóng nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, việc có vị trí xếp hạng tín dụng tốt nhất tại châu Âu và thặng dư thương mại lớn cũng là những nhân tố góp phần gia tăng tầm quan trọng và ảnh hưởng của Berlin.
Việc Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đang sở hữu kho dự trữ vàng lên tới 3.400 tấn cũng tăng thêm sức mạnh kinh tế cho nước này.
Nhưng nhà tỷ phú Soros đã chỉ trích Đức chưa làm "tròn vai" lãnh đạo Eurozone và cho rằng Berlin phải sẵn sàng làm người lèo lái dẫn dắt châu Âu bởi tương lai của EUR phụ thuộc vào nước Đức. Trong khủng hoảng, Đức luôn luôn là chủ nợ và con át chủ bài, vị trí mà người Đức hay Thủ tướng Merkel phải miễn cưỡng đảm trách.
Nếu EUR bị sụp đổ sẽ gây thiệt hại khôn lường đối với hệ thống ngân hàng, mà Đức sẽ không nằm ngoài tác động của sự đổ vỡ đó. Nó sẽ đẩy không chỉ Đức hay châu Âu mà cả thế giới vào một cuộc khủng hoảng tương tự cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ 20. Do đó, bằng mọi giá Đức phải bảo vệ EUR.
Để đồng tiền chung tồn tại, cần phải cho phép các thành viên Eurozone tài trợ phần lớn các khoản nợ với các điều khoản hợp lý. Vì vậy, cần có sự ra đời của trái phiếu chung toàn khối Eurozone (eurobond) để các ngân hàng trung ương cùng nhau vay nợ nhằm trang trải cho mọi thành viên, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các thành viên đang trầy trật với núi nợ và cứu Eurozone khỏi sụp đổ.
Từ phản đối eurobond...
Chính các nhà lãnh đạo Đức đã kịch liệt phản đối trái phiếu eurobond và người Đức rất ghét ý tưởng về eurobond bởi lo ngại họ sẽ phải "cưu mang" các nước, kể cả các nước lớn như Italia. Thủ tướng Merkel từng tuyên bố ý tưởng “tập thể hóa” số nợ của Eurozone là “hoàn toàn sai lầm” bởi nó sẽ dẫn tới một liên minh nợ thay vì sự ổn định hơn.
Eurobond sẽ làm gia tăng chi phí vay mượn của chính họ, trong khi khuyến khích chính phủ các nước khác tiếp tục thói quen chi tiêu hoang phí mà không cần đếm xỉa tới việc lập lại trật tự trong nền tài chính quốc gia. Chỉ có cải cách sâu rộng mới đưa Eurozone vào một nền tảng vững chắc.
Cho dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso từng phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) rằng eurobond có mục đích bảo đảm sự ổn định lâu dài, nhưng Bộ trưởng Kinh tế Philipp Roesler vẫn nêu rõ: "Ông Barroso không thể phát biểu thay mặt Chính phủ Đức. Tôi xin nhấn mạnh, theo nghị quyết của Tòa án tối cao Đức, Nhà nước không được nhận cam kết vô hạn, nếu không có sự tán thành của Quốc hội Đức. Điều đó có nghĩa là Đức loại trừ khả năng phát hành eurobond."
Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Goerge Osborne, cách duy nhất để Eurozone có được sự ổn định về lâu dài là hội nhập tài khóa, tập trung hóa các quyết định chính về thuế và ngân sách, trợ cấp cho các thành viên nghèo bằng chuyển giao ngân sách. Muốn vậy, EU sẽ phải tập trung hóa việc phát hành trái phiếu với lãi suất áp từ các thành viên “bảo trợ.”
Nhưng eurobond sẽ chỉ tồn tại, nếu Đức sẵn sàng gánh vác những chi phí khổng lồ của một nhà “bảo trợ”; và mọi thành viên khác chấp nhận sự “hội nhập tài khóa” - nấc thang không xa tới hội nhập chính trị và mất chủ quyền.
... Quay sang bất đồng với ECB
Bundesbank cũng nhất quyết phản đối Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu chính phủ của các nước đang ngập trong nợ nần với lý do không muốn làm "phao cứu sinh" cho các nước khác. Được biết ECB đã chi 100 tỷ euro cho chương trình này.
Quyết định từ chức của ông Juergen Stark, nhà hoạch định chính sách chủ chốt người Đức trong Hội đồng Điều hành ECB, gần ba năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5-2014, có thể khoét sâu hơn khoảng cách giữa ECB với đại diện quyền lợi của Đức tại thể chế tài chính này, đồng thời gây chia rẽ giữa các quốc gia chủ nợ và con nợ trong ECB.
Tồi tệ hơn nữa, động thái đó có thể tác động tiêu cực đến khả năng đưa ra những hành động mang tính quyết định trong những tháng tới, khi cuộc khủng hoảng nợ Eurozone bước sang giai đoạn nguy kịch hơn.
Ủng hộ EFSF
Tuy nhiên, Quốc hội Đức đã "bật đèn xanh" cho thỏa thuận tăng ngân quỹ của EFSF từ 440 tỷ EUR lên 780 tỷ EUR mà Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 7 đã nhất trí, trong đó khoản tiền mà Đức cam kết đóng góp sẽ nâng lên 211 tỷ EUR, chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Nhìn chung giới lãnh đạo Đức đều nhất trí quan điểm: EFSF sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tình huống một nước bị mất khả năng thanh toán.
Trong một nỗ lực khác, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Sarkozy đã thống nhất đề xuất thành lập Chính phủ kinh tế toàn khối Eurozone, đồng thời nhấn mạnh áp dụng "nguyên tắc vàng" đối với 17 nước Eurozone trước mùa hè 2012.
Để làm gương, Đức là nước đầu tiên đưa "nguyên tắc vàng" thâm hụt ngân sách và nợ công vào hiến pháp và bắt đầu thực thi từ năm 2016. Theo đó, ngân sách liên bang không được phép thâm hụt quá 0,35% GDP và tới năm 2020 sẽ có hiệu lực khắp cả nước.
Đức cũng là nước đi đầu khích lệ ý tưởng áp thuế giao dịch tài chính do EC đề xuất cách đây hơn một năm. Nếu được thông qua (dự kiến phải sau năm 2014), luật thuế này có thể thu về 30-50 tỷ EUR/năm.