Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) sẽ rút 54.000 thỏi vàng (675 tấn, trị giá khoảng 36 tỷ USD), từ các hầm chứa bên dưới trụ sở Cục Dự trữ liên bang (FED) New York (Hoa Kỳ) và Banque de France Paris (Pháp) để mang về nước cất giữ trong kho tại trụ sở Frankfurt.
Để tránh xảy ra sự cố an ninh, Bundesbank rất kín tiếng về thời gian và phương pháp di dời vàng. Tuy nhiên, tin tức về vụ di dời kho báu lan nhanh trên các mạng xã hội. Nhiều người đoán 374 tấn vàng từ Paris sẽ được chuyển dần bằng xe chuyên dụng có bảo vệ kỹ lưỡng băng qua vùng nông thôn Pháp-Đức, 300 tấn vàng từ New York sẽ được chia nhỏ và chuyển bằng máy bay xuyên Đại Tây Dương.
Có người cho rằng tất cả số vàng trên sẽ được chuyển bằng đường hàng không vì bản thân các sân bay đã được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt nên mức độ an toàn cao hơn đường bộ hoặc đường biển.
Trong khi cư dân mạng sôi nổi bàn tán và điểm lại những bộ phim nổi tiếng về các vụ cướp kho báu, các chuyên gia cho rằng quyết định di dời kho báu này phản ánh một thực tế đáng lo ngại hiện nay trong nền chính trị Đức.
Trong thời buổi nhiễu nhương, Đức quyết định thực hiện chính sách |
Đức xây dựng kho vàng dự trữ như là một mặt của thặng dư thương mại trong những thập niên sau thế chiến 2. Trên thực tế, phần nhiều dự trữ vàng của các nước được cất giữ trong các hầm ngầm bên dưới các ngân hàng trung ương lớn, chẳng hạn cất trong hầm sâu hơn 20m của FED New York ở Manhattan hay những căn hầm cổ xưa của Bank of England ở London. Điều này rất thuận tiện cho các giao dịch vàng khối lượng lớn.
Thí dụ khi một chính phủ hoặc ngân hàng trung ương bán vàng của mình, họ chỉ cần luân chuyển vàng từ ngăn chứa này sang ngăn chứa khác, không phải chịu rủi ro khi vận chuyển vàng. Tất nhiên hệ thống này được xây dựng dựa trên sự tin cậy - chủ kho chứa phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản của các quốc gia chủ vàng, và các ngân hàng trung ương không nói dối về số vàng trong kho của họ.
Niềm tin đó rất sâu sắc giữa các ngân hàng trung ương trên thế giới và hầu hết các chính phủ sẵn lòng gởi vàng của họ ở bất cứ nơi nào thuận tiện nhất.
Một số nhà quan sát cho rằng do di chứng của siêu lạm phát Weimar đầu những năm 1920 nên Đức là một quốc gia có nỗi sợ hãi sâu xa về sự ổn định của đồng tiền. Động thái củng cố kho vàng của Đức xảy ra tại thời điểm thế giới tài chính dường như chìm trong tình trạng hỗn loạn. Đức được yêu cầu làm trụ cột trong cuộc giải cứu Hy Lạp và các quốc gia châu Âu khác đang gặp khó khăn tài chính.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tung tiền mua trái phiếu của một số quốc gia, mà dư luận rộng rãi ở Đức xem đây là mầm mống kích thích lạm phát rất lớn. Trong khi đó, Hoa Kỳ sắp vỡ trần nợ công và cũng mấp mé bên vực thẳm tài chính.
Trong bối cảnh đó, người dân Đức có lý do lo ngại Đức có thể đã bị thất thoát một số vàng ký gởi. Vì vậy, về cơ bản, ngân hàng Bundesbank trấn an các tư tưởng ngờ vực bằng cách chuyển vàng về nước. Quốc gia này chỉ phải hy vọng rằng không có sự cố gì trong suốt cuộc hành trình. Thành viên hội đồng quản trị Bundesbank Carl-Ludwig Thiele phát biểu trong cuộc họp báo công bố việc di chuyển vàng: “Ở Đức, rất nhiều mối quan tâm gắn liền với chủ đề dự trữ vàng”.
Không riêng gì người Đức, nhiều người dân Hoa Kỳ cũng đang nghi ngờ dự trữ vàng quốc gia tại pháo đài Knox bị hao hụt.
Động thái của Đức có thể sẽ không ảnh hưởng tới giá vàng thế giới (chỉ chuyển địa điểm cất giữ, không phát sinh mua bán) hay nền kinh tế Đức (trị giá số vàng này chỉ tương đương khoảng 1% GDP), nhưng có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền khiến các quốc gia khác cũng rút vàng về nước.