Có thể vẫn còn quá sớm để nói đến một mối quan hệ đồng minh kinh tế giữa Đức và Trung Quốc, nhằm chống lại sức ép từ việc Mỹ đánh thuế một số mặt hàng từ châu Âu như ô tô, nhôm hoặc thép. Nhưng hai bên vẫn đang thảo luận để cùng đưa ra một số biện pháp nhằm thúc đẩy tự do thương mại, hợp tác kinh tế song phương. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đang ngày càng được củng cố, Trung Quốc liên tục phát triển cơ sở hạ tầng, mở cửa ngỏ đến gần hơn với thị trường châu Âu.
Hiện nay, kết nối quan trọng nhất là tuyến đường sắt Trans - Eurasia (liên Á-Âu), từ siêu đô thị Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc đến thành phố Duisburg, Đức. Duisburg là một thành phố sản xuất thép lớn của Đức, nằm giữa hợp lưu 2 con sông Rhine và Ruhr. Nơi đây tự hào là cảng nội địa lớn nhất thế giới, đồng thời còn là một trong những trung tâm vận tải và thương mại quan trọng nhất của Đức - đầu tàu kinh tế của châu Âu. Trong khi đó, thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc lại là một biểu tượng cho quá trình đô thị hóa cũng như sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc với dân số hơn 30 triệu người.
Mỗi tuần có khoảng 30 chuyến tàu hàng hóa của Trung Quốc đến cảng Duisburg, đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, đồ chơi, đồ điện tử công nghệ cao, rượu whisky, rượu vang và các mặt hàng dệt may. Khoảng 80% số lượng tàu hỏa từ Trung Quốc xem đây là điểm dừng chân đầu tiên của mình tại Châu Âu.
Thị trưởng thành phố Duisburg, Sören Link cho biết: “Thành phố Duisburg có thể được xem như là thành phố Trung Quốc của nước Đức”. Trước đây, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng chọn thành phố Duisburg là 1 trong 4 điểm dừng chân trong chuyến công du đến nước Đức.
Ông Link nói: “Những dấu hiệu đó cho thấy tầm quan trọng của thành phố vẫn đang ngày càng được nâng cao. Nơi đây có thể trở thành cửa ngõ của Trung Quốc đến châu Âu - và ngược lại.”
Một chuyến tàu chở hàng đến Duisburg từ cảng Uy Hải ở Vinh Thành, Trung Quốc. Ảnh: TheGuardian
Vận tải hàng hóa qua tuyến đường sắt từ Trùng Khánh đến Duisburg đắt gấp đôi so với vận chuyển bằng đường biển, nhưng chỉ mất có 12 ngày thay vì 45 ngày. Vận tải hàng không đắt gấp đôi vận chuyển đường sắt, nhưng mất trung bình 5 ngày. Vì thế, nếu có thể chấp nhận thời gian vận chuyển trung bình 10-12 ngày, vận tải đường sắt sẽ được xem là phương tiện tiềm năng hơn.
Số lượng công dân Trung Quốc sống trong thành phố đã tăng gấp đôi trong vòng 8 năm qua. Trường Đại học Duisburg – Essen sở hữu Viện Khổng Tử, điều này thu hút một lượng lớn sinh viên Trung Quốc đến nước Đức, hầu hết họ thường chọn chuyên ngành về khoa học kỹ thuật và kinh tế. Các cửa hàng thức ăn nhanh Châu Á trong thành phố ngày càng nhiều, cạnh tranh với các cửa hàng thịt nướng của một số thế hệ người di cư trước đây. Số lượng doanh nghiệp Trung Quốc ở đây cũng tăng lên khoảng 50%, tính kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình ghé thăm vào năm 2014.