Đầu tư ra nước ngoài để học hỏi
Kể từ khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, ngành xây dựng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hàng ngàn dự án, công trình kiến trúc và cơ sở hạ tầng hiện đại được xây mới với tốc độ chóng mặt, bởi rất nhiều nhà thầu quốc tế với đối tác là những nhà thầu nội. Ngành xây dựng đã được học hỏi từ những chuyên gia, nhà thầu hàng đầu đến từ nhiều châu lục. Các doanh nghiệp trong nước từ vai thầu phụ, dần chuyển sang đối tác liên danh và nay đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình quy mô lớn có yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao, như nhà cao tầng, cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế… mà trước đây vốn chỉ là sân chơi dành cho nhà thầu ngoại.
Trong xu hướng toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp nội mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Phát triển ra thị trường nước ngoài là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo chúng ta luôn có được cơ hội để tiếp thu và tích hợp kịp thời tinh hoa của thế giới. Đây chính là yếu tố quan trọng mang tính chiến lược giúp ngành xây dựng đủ mạnh để bảo vệ thị trường nội địa.
Ảnh minh họa.
Phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn giúp cung cấp việc làm ổn định cho lực lượng lao động trong ngành xây dựng, khi thị trường trong nước bão hòa hoặc có biến động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2018, tổng số nhân lực trong ngành xây dựng 4,2 triệu người, trong đó đội ngũ kỹ sư, chuyên gia 1,2 triệu người (bình quân 12.000 kỹ sư trên 1 triệu dân). Theo tính toán của Học viện Cán bộ và quản lý (Bộ Xây dựng), đây là mức tỷ lệ bình quân cao gấp 4 lần so với mức bình quân của các nước phát triển khác. Đây là lợi thế lớn nếu chúng ta biết cách khai thác hiệu quả, nhưng cũng là mối nguy nếu chúng ta chậm trễ trong kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế để đảm bảo việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn này.
Phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn hình thành chuỗi cung ứng phụ trợ có liên quan như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, các dịch vụ tư vấn thiết kế, tài chính, đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển… thông qua xuất khẩu dịch vụ tổng thầu. Dịch vụ tổng thầu ngược lại sẽ nâng lợi thế khi các chuỗi cung ứng phát triển. Sự tương tác đó sẽ tạo nên sự gắn kết và cộng hưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng và các chuỗi cung ứng.
Chia nhỏ gói thầu lớn
Chia nhỏ gói thầu lớn
Để ngành xây dựng đủ sức cạnh tranh và hội nhập, cần có những chiến lược phát triển bền vững. Theo đó, những dự án quy mô lớn như dự án đường cao tốc và đường sắt Bắc - Nam, đường sắt đô thị (metro) Hà Nội và TPHCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành… nên chia nhiều giai đoạn với các gói thầu không quá lớn. Điều kiện đấu thầu quốc tế nên có quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước theo tỷ lệ tham gia của nhà thầu trong nước tối thiểu 35%. Hình thức liên danh là bình đẳng, cùng quản lý điều phối toàn dự án, không theo mô hình phân chia hạng mục công việc, hạng mục công trình, hoặc thầu chính - thầu phụ.
Lợi ích đạt được của việc này là Chính phủ giảm được gánh nặng về vốn khi thực hiện một gói thầu quá lớn, chủ đầu tư không bị thiệt hại khi chưa đủ điều kiện khai thác hết công suất của dự án, trong khi có cơ hội để cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng cho các giai đoạn dự án về sau. Quan trọng nhất là doanh nghiệp xây dựng trong nước có cơ hội học hỏi để có thể làm chủ công nghệ ngay sau khi thực hiện gói thầu đầu tiên. Từ đó, nhà thầu trong nước có đủ khả năng làm tổng thầu để triển khai tiếp các gói thầu còn lại, không phụ thuộc vào nhà thầu ngoại với cái giá phải trả nhiều khi lên đến gấp đôi gấp 3 lần.
Khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản của hiệp định cho phép doanh nghiệp xây dựng trong nước được hành nghề bình đẳng như nhà thầu nước ngoài khác, cũng như bình đẳng với doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại. Đồng thời, hiệp định cũng nên có điều khoản công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi các tổ chức giáo dục đào tạo chính quy của Việt Nam.
Tạo động lực cho doanh nghiệp
Tạo động lực cho doanh nghiệp
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của Nhà nước như trụ sở đại sứ quán, tổng lãnh sự quán. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước. Sớm thành lập Hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở hải ngoại để tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Khuyến khích thành lập Hiệp hội những nhà xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ của các chuỗi cung ứng để tăng cường mối quan hệ hợp tác.
Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển bằng nhiều hình thức, như cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, áp dụng các chế độ ưu đãi cho ngành xây dựng như các ngành công nghệ cao khác. Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp để tạo thêm động lực cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao về từng loại công trình, từng hạng mục công tác để tạo nên những doanh nghiệp xây dựng có đẳng cấp quốc tế trong từng loại công trình, từng hạng mục công tác chuyên môn. Như vậy, chắc chắn nguồn lực chuyên sâu sẽ được tập trung đúng chỗ và năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được nâng lên.
Chủ doanh nghiệp xây dựng phải có tư duy toàn cầu, thúc đẩy sự phấn đấu tự hoàn thiện doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, xem việc chiếm lĩnh thị trường thế giới là mục tiêu của mỗi công ty xây dựng. |