Người bán vé số với vẻ mặt khổ sở cố nài ép người đang ngồi trong quán cà phê mua; người chạy xe ôm bằng chiếc xe máy cũ xả khói mịt mù; một người bán hàng rong nghía ngang dọc thấy có vẻ vắng, tấp vào một góc tường hoặc gốc cây để… đi vệ sinh. Hoặc những cảnh tương tự với những người nghèo khổ hẳn không hiếm. Hay như việc hàng trăm người chen chân để nhận quà từ một cơ sở kinh doanh đến độ sập cả hàng rào, làm một số người bị thương…
Có người bức xúc bày tỏ: dường như có những người “ỷ” mình nghèo nên bất chấp, gần như ở tâm lý “không có gì để mất”. Thực ra, chỉ trừ một số ít có lối sống không tích cực, thụ động, phần đông người nghèo có lòng tự trọng, có ý thức giúp đỡ người khác, nhất là những người cùng cảnh ngộ như mình, luôn nỗ lực vươn lên và sẵn sàng làm các công việc nặng nhọc, bị người khác coi thường…
Một số người có tinh thần tôn trọng công việc và thù lao mình nhận được, nên thể hiện thái độ trách nhiệm với công việc và với người trả công. Đó là điều chúng ta dễ thấy ở những người nhân viên lao công chăm chút với từng nhát chổi để bảo đảm chỗ mình quét được sạch nhất; hay người vá xe rà kỹ để xem ruột xe còn bị lỗ nào nữa không, cố lấy hết các mảnh kim loại hoặc đất cát còn trong vỏ xe có thể làm xe bị xẹp nữa…
Không chỉ vậy, phần nhiều người nghèo có tinh thần hy sinh rất cao, nhằm tạo điều kiện cho con em mình có cơ hội vươn lên. Đó là điều chúng ta thường thấy ở người nghèo là nhịn ăn nhịn mặc, bệnh không dám đi chữa hoặc chỉ chữa qua quýt phần triệu chứng, dành thời gian làm việc trong ngày khá dài, bỏ qua các nhu cầu giải trí… để phòng hờ trường hợp có rủi ro và cho con mình đi học nhằm thoát khỏi cảnh sống mình đang chịu đựng.
Tuy nhiên, một bộ phận người nghèo còn có tâm lý cam chịu (tin vào… số phận chẳng hạn!); hoặc muốn vươn lên nhưng không tìm được cách thức phù hợp, chọn sai cách để thoát nghèo (chỉ cố gắng làm việc chăm chỉ nhưng không chú trọng việc nâng cao trình độ, kỹ năng…); không có giải pháp hợp lý để tái tạo sức lao động (thiếu nghỉ ngơi, ăn uống thiếu khoa học, chưa quan tâm đúng mức về chăm sóc sức khỏe).
Vì nghèo nên thường quan tâm nhiều đến lợi ích trước mắt dẫn đến các giải pháp, hoạt động thường không có hiệu quả lâu dài, thiếu tính bền vững; chưa chủ động tìm sự liên kết với nhau hoặc gắn với các tổ chức đoàn thể ở địa phương (phần lớn mạnh ai nấy làm, ít có sự hợp tác, chia sẻ)…
Không chỉ vậy, các cám dỗ hoặc các thủ đoạn lừa đảo cũng dễ ảnh hưởng đến với người nghèo hơn, như hiện tượng sa chân vào tệ nạn xã hội, phạm pháp hay bị vướng vào “tín dụng đen”. Tất cả điều đó làm khả năng thoát nghèo của không ít người trở nên khó khăn hơn và dễ tái nghèo nếu gặp biến cố nào đó.
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan tác động đến người nghèo thường sâu sắc hơn các đối tượng khác. Chẳng hạn, dịch Covid-19 vừa qua thực sự là biến cố lớn, tác động đến rất nhiều người, trong đó chủ yếu là người nghèo. Hay rủi ro có vụ tai nạn, vụ hỏa hoạn…, người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và rất lâu mới có thể khắc phục được.
Trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều khó khăn hiện nay, các chủ trương, chính sách có tính chất bảo vệ người yếu thế phải thực sự hướng đến người nghèo nhiều hơn nữa. Các giải pháp quản lý, điều hành của chính quyền các cấp phải cố gắng kéo người nghèo lại gần hơn, và trong một số trường hợp nào đó chưa làm tốt được việc này cũng đừng đẩy họ ra xa.
Chẳng hạn, trong việc chỉnh trang, kiến thiết đô thị, biện pháp di dời, bố trí tái định cư phải thực sự chú trọng quan điểm đã được nêu ra từ nhiều năm nay. Đó là phải tạo được cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với hiện tại. Điều này phải được đánh giá đồng bộ, tổng thể, không thể chỉ dựa trên nhận định của cơ quan công quyền.
Thí dụ, khi bố trí nơi ở mới có diện tích bình quân đầu người rộng hơn, môi trường sống tốt hơn, cơ sở hạ tầng đầy đủ hơn… phải xem họ có sinh kế tốt hơn không, có cảm thấy thực sự hạnh phúc hơn không, có muốn gắn bó lâu dài với nơi ở mới này không. Nếu chưa trả lời thỏa đáng các câu hỏi này, có khi sự nhìn nhận về “cuộc sống tốt hơn” đó có phần thiếu khách quan và phiến diện.
Hay trong các giải pháp bình xét và hỗ trợ hộ nghèo phải xét đến điều kiện thực tế và nhu cầu của người dân, tuyệt đối tránh chạy theo thành tích. Những hộ nghèo đa chiều phải xét đầy đủ các chiều, và chiều nào còn thiếu phải có giải pháp khắc phục, tránh việc “lấy bình quân” hoặc “sợ không đạt chỉ tiêu” rồi đẩy các khó khăn về phía người nghèo.
Các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phải có tính chất căn cơ hơn (nhất là chú trọng giải quyết việc làm, đào tạo nghề, học tập nâng cao trình độ, cải thiện đời sống văn hóa…), không phải chỉ giúp một số phương tiện vật chất mang tính ngắn hạn (như tặng ít tiền, ít quà… rồi coi như đã giúp đỡ rồi).
Các đoàn thể phải chủ động đến với người nghèo hơn thay vì chờ họ ngửa tay xin giúp đỡ. Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm phải hướng đến các loại tội phạm nhắm vào người nghèo nhiều hơn, đặc biệt là “tín dụng đen”, ma túy, cũng như có giải pháp hạn chế để người nghèo sa vào tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm, cờ bạc.
Đồng thời, việc xử lý các hành vi phạm tội do người nghèo gây ra cần xem xét đầy đủ yếu tố tình và lý, bảo đảm nghiêm minh nhưng cần đặt trong mối tương quan với các nhóm tội phạm khác.
Khi điều kiện xã hội có những khó khăn, người nghèo càng trở nên yếu thế. Vì vậy, họ càng được quan tâm bảo vệ, giúp đỡ. Đó là một trong những cách giúp an dân và ổn định xã hội, từ đó tạo tiền đề để xã hội phát triển.