Riêng tại Việt Nam, có nhiều gia đình hoang mang vì con em của họ cũng đã tham gia vào đường dây lao động bất hợp pháp sang Anh, nhưng hiện tại hoàn toàn bặt vô âm tín.
39 thi thể vẫn đang được các cơ quan chức năng của Anh phối hợp với các quốc gia liên quan cùng khẩn trương xác minh để làm rõ danh tính. Và oái oăm thay, những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng lại gây thêm bao nhiêu thị phi khôn lường.
Sinh mạng con người rất quý báu. Dùng sinh mạng để giải quyết bất kỳ vấn đề gì cũng là một việc rất đau đớn và rất bẽ bàng. Với lòng trắc ẩn, ai cũng thương xót cho 39 sinh mạng hẩm hiu ấy. Thế nhưng, không thể phủ nhận, hành trình đi tìm miền đất hứa của họ đã thực hiện theo cách quá rủi ro và quá khủng khiếp.
Lao động "chui" ở nước ngoài hệ lụy khôn lường.
Rất nhiều câu hỏi ngổn ngang mà những ai còn lương tri không thể không đặt ra: Họ chấp nhận sự mạo hiểm ấy có đắn đo chút nào không? Họ có lường trước hiểm họa đang chực chờ trên con đường vạn dặm quanh co không? Họ có biết đang rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm buôn người xuyên biên giới không? Nhiều và rất nhiều câu hỏi mà mỗi người muốn trả lời rành mạch đều không tránh khỏi cảm giác nghẹn ngào và đắng đót.
Trong 39 cơ thể đang chơi vơi ở xứ sở sương mù, có mấy người là đồng bào của chúng ta, mà trong khoảnh khắc nguy khốn và tuyệt vọng họ đã thét gào kêu cứu bằng chính tiếng Việt dấu yêu? Nước mắt mặn chát hôm nay chỉ có thể an ủi sự mất mát, chứ không thể nào cứu vãn sự lầm lạc đã xảy ra. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật u ám này, để cùng nhau thức tỉnh và cùng nhau chọn lựa giải pháp tốt đẹp cho tương lai.
Khát vọng đổi đời luôn đáng trân trọng và đáng cổ vũ. Khát vọng thoát nghèo đáng ủng hộ, mà khát vọng làm giàu càng đáng ủng hộ. Song trong tâm lý gắn bó cội rễ yên bình, không ai muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn. Cất bước ly hương không phải quyết định đơn giản. Từ miền Trung hoặc miền Bắc đi vào miền Nam lập nghiệp đã là một thử thách, huống hồ đi ra nước ngoài mưu cầu kinh tế.
Xuất khẩu lao động được xem như một mô hình dịch chuyển nhân lực thời hợp tác toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu lao động phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản, dù là lao đông trí tuệ hay lao động chân tay cũng có những tiêu chí và những đòi hỏi khắt khe. Không thể xem xuất khẩu lao động là nơi để chuyển tiếp chui qua nước khác làm giàu như một canh bạc, và càng không thể đem sinh mang để đánh cược cho những hành vi khuất tất và liều lĩnh.
Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm đã có lý khi đề cập nghi vấn có nạn nhân là công dân Việt Nam trong bi kịch 39 thi thể được phát hiện ở Anh: “Các gia đình nên bình tĩnh, khuyên con em mình đi nước ngoài lao động một cách hợp pháp, đừng đi bất hợp pháp. Nhà nước, Chính phủ luôn luôn tạo điều kiện, ai có điều kiện đều đi được cả, đừng đi trốn chui trốn nhủi vừa mất tiền vừa không đảm bảo an toàn!”.
Sau thị trường lao động Đông Âu hạ nhiệt, người Việt đã nhanh chóng tiếp cận thị trường lao động khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Chúng ta có thể xuất khẩu lao động chất lượng cao không? Trước mắt là chưa. Lao động Việt chủ yếu đáp ứng phân khúc lao động phổ thông, tập trung vào các ngành may mặc, giày da và cơ khí.
Nếu chăm chỉ làm việc và chịu khó tích cóp, những người đi xuất khẩu lao động cũng có thể nuôi được bản thân cũng như dành dụm tài chính để cải thiện cuộc sống cho thân nhân ở quê nhà. Tuy nhiên, xuất khẩu lao động không thể trở thành đại gia trong một sớm một chiều. Vì vậy, nhiều người muốn giàu nhanh đã liều lĩnh chọn phương pháp bất minh và táo tợn, đó là nhập cảnh trái phép để làm những công việc phi pháp.
Nhiều kênh truyền hình Anh từng trình chiếu những phóng sự về người Việt lén lút trồng cần sa trên lãnh thổ quốc gia này. Đó là những hình ảnh rất đáng hãi hùng, những người Việt cư ngụ ở chốn hẻo lánh và thắp điện trong nhà để trồng cần sa. Hầu như quanh năm họ không thấy bóng mặt trời.
Chỉ khi màn đêm buông xuống họ mới rón rén đi mua thức ăn rồi vội vã trở về cõi tăm tối riêng tư, hòng tránh sự phát hiện của người xung quanh. Tiếng là ở quê nhà được gia đình hãnh diện khoe với hàng xóm con cháu mình đi nước ngoài ở trời Tây, thu nhập rất cao. Đúng là với thu nhập đầy tội lỗi của công việc trồng cần sa, nhiều người đã gửi tiền tỷ về quê hương nhưng không có khả năng xuất hiện như những Việt kiều thực sự, mà phải lẩn tránh sự truy quét của cảnh sát sở tại.
Họ sống như những kẻ vô gia cư, vô danh phận nơi đất khách, với những tai ương khó tiên liệu. Chẳng may họ bị ngược đãi, bị nô dịch, hoặc bị giết hại cũng không ai biết họ là ai để trợ giúp kịp thời.
Người Việt lao động phi pháp ở nước ngoài đã đánh cược số phận cho ước mơ phát tài phát lộc ngược ngạo, liệu những người thân của họ ở quê hương có biết không? Thế nhưng, trớ trêu là thói ganh đua làm kẻ sang chảnh ở một vài nơi vẫn rất phổ biến. Bất chấp hết để có biệt thự như hàng xóm, bất chấp hết để có xe hơi như láng giềng. Thậm chí, biệt thự không ai ở và xe hơi không ai đi cũng phải mua sắm cho ngang vai phải lứa với xung quanh. Chính tâm lý bon chen đố kỵ ấy đã đẩy nhiều người vào con đường lao động nước ngoài phi pháp.
Và ở đây, không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền địa phương. Chỉ cần làm vài phép tính và chỉ cần tham khảo vài nguồn tin, lãnh đạo xã lẫn lãnh đạo huyện đều dễ dàng lần ra manh mối của những dòng tài chính đổ về mảnh đất mà mình đang quản lý.
Đáng tiếc, những người có trách nhiệm vẫn dửng dưng trước các biểu hiện lệch lạc về nhận thức cũng như sai quấy về hành động của một bộ phận dân chúng đang sôi sục khí thế làm giàu. Sự thèm thuồng vật chất đã che mờ tất cả, che mờ lý trí và che mờ cả tình cảm. Để đến khi xảy ra sự cố tang tóc mới ê chề than thở tiếc nuối!
39 thi thể được phát hiện trong container ở Anh làm nhiều làng, nhiều thôn trên nước Việt hoảng hốt. Vài gia đình đã không còn giấu giếm sự lo lắng về con em mình đang xuất khẩu lao động phi pháp. Động cơ kiếm tiền thật nhiều trong thời gian thật ngắn, thực sự đang ám ảnh và đang đọa đày không ít người Việt manh động nao núng. Thế nhưng, hoàn toàn không thừa thãi để nhắc nhở nhau một chân lý bền vững, đó là không có đồng tiền chân chính nào lại dễ đến trên tay. Đồng tiền không có mùi của mồ hôi, thì đồng tiền sẽ có mùi của tội ác, mùi của nhục nhã, mùi của lầm than, mùi của biệt ly…