Chọn giờ cao điểm là đầu giờ sáng, tôi lên tàu từ ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Ngay từ khi bước chân vào ga, tôi nhận ra hành khách đều mua vé, quẹt thẻ, lên tàu một cách thuần thục, tự nhiên. Có vẻ như phần đông số họ là những hành khách thường xuyên của tuyến đường này nên mọi thứ đã thành thói quen.
Khuôn viên nhà ga và toa tàu đều sạch sẽ, mát rượi; các nhân viên lịch sự, chu đáo tới mức mỗi hành khách đều tự giác ý thức, không nỡ gây ồn ào hay quăng rác bừa bãi. Tôi tò mò ngắm những người bạn đồng hành trong trang phục đi học, đi làm rất chỉnh tề. Một sự khởi đầu có thể coi là êm ả cho ngày làm việc mới.
Vì lên ga đầu, là một trong 15 hành khách đầu tiên của tuyến nên tôi dễ dàng kiếm được cho mình một chỗ ngồi. Từ những ga sau khách lên rất đông, nhiều người phải đứng. Đoàn tàu lao đi êm như ru, những khu đô thị mới phía Nam thủ đô đầy sức sống lướt qua trước mắt, cảm giác thật sự thoải mái. Cảm giác ấy càng rõ ràng hơn khi nhìn qua cửa kính thấy dòng người và phương tiện đang ken đặc trên đường Nguyễn Trãi, nhích từng bước dưới cái nắng gắt gao cuối tháng 8.
Chị Mỹ Hạnh, ngồi kế bên, kể, từ ngày có đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chị chọn phương tiện này đi làm, vì muốn tránh đi xe cá nhân trên trục đường Nguyễn Trãi nổi tiếng thường xuyên ùn tắc. Đã hơn 20 năm, ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, chị cũng phải trầy trật vượt qua tuyến độc đạo đó bằng xe máy.
Từ khi chọn đi tàu, mỗi ngày chị rời nhà ở chung cư HUD3 (phố Tô Hiệu, quận Hà Đông) vào lúc 7 giờ, đi bộ 5 phút để ra ga tàu Hà Đông, chờ khoảng 1-5 phút lên tàu. Mất 10 phút đến ga Thượng Đình, chị xuống tàu bắt một chuyến xe buýt để đến công sở tại số 360 Minh Khai (quận Hoàng Mai). Nếu may mắn không tắc đường thì chỉ thêm 15 phút sẽ đến cơ quan. Với chị, cái được lớn nhất khi đi tàu là an toàn và sức khỏe được đảm bảo, cả tinh thần và thể chất.
Chị Mai Thanh (khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, lúc đầu cũng khá nghi ngại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhưng sau nhiều lần trải nghiệm chị quyết định dùng phương tiện này, dù đến ga cuối Cát Linh còn phải đi thêm 1 chặng xe buýt đến cơ quan trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm).
Thời gian đầu, chị cũng thấy phiền phức khi đi bộ, phải chuyển đổi phương tiện, nhưng lâu dần chị đã quen và cảm thấy mọi việc khá dễ dàng. Càng ngày chị càng thấy sử dụng đường sắt đô thị là đúng, bởi việc đi bộ dăm mười phút có lợi cho sức khỏe, trong khi việc kết nối các phương tiện khác cũng khá thuận lợi. Các bến xe buýt đã được chuyển về đúng chân nhà ga, xuống tàu là lên được xe buýt ngay.
Chị chỉ tiếc là Hà Nội mới có duy nhất tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động, nên nhiều người muốn được sử dụng đường sắt đô thị hàng ngày cũng chưa có cơ hội. Chị cho rằng, nếu có thêm nhiều tuyến nữa, chắc chắn người dân sẽ chuyển sang đi tàu, nhờ sự tiện lợi, đúng giờ, không lo trễ chuyến vì giờ cao điểm chỉ vài ba phút đã có một chuyến.
Đường Nguyễn Trãi ùn tắc nhìn từ tàu Cát Linh - Hà Đông |
Tôi đã mất 23 phút để đi một quãng đường từ ga đầu đến ga cuối của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13km, dừng ở 12 ga. Vẫn quãng đường đó, nếu đi bằng xe máy, không gặp ùn tắc cũng phải mất ít nhất 1 giờ, còn nếu gặp ùn tắc thì bất kể. Cũng như những người bạn đồng hành của mình, tôi nghĩ, giá như Hà Nội có thêm những tuyến đường sắt đô thị kết nối với nhau, ắt hẳn giao thông nội đô sẽ thay đổi hoàn toàn.
Đã hơn 15 năm từ ngày có quy hoạch, trong 9 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội với tổng chiều dài hơn 300km, mới có một tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động. Một tuyến nữa là Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km đang ì ạch về đích sau hơn 14 năm thi công, dự kiến cuối năm 2023 mới có thể khai thác 8,5km đoạn trên cao và đến năm 2027 mới khai thác toàn tuyến. Thật tiếc, số dự án còn lại vẫn còn... nằm trên giấy!
Theo công suất thiết kế đường sắt Cát Linh - Hà Đông, 1 đoàn tàu có 4 toa, chở 1.462 khách (trung bình 365 hành khách/toa). Tuy nhiên, hiện đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới vận chuyển 32.000 lượt hành khách/ngày đêm, đạt khoảng 14% công suất.
Giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông đang được TP Hà Nội trợ giá 60%-70%, cao nhất là 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến. Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/khách phổ thông; 100.000 đồng/học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp; 140.000 đồng/người lao động tại công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn phí.