Như định kỳ, vào thời điểm cuối quý, 2 quỹ ETF đang hoạt động tại Việt Nam là FTSE Việt Nam (FTSE) và Market Vectors Việt Nam (VNM) sẽ bước vào giai đoạn cơ cấu danh mục kỳ cuối cùng của năm 2013. Tác động lớn của ETF lên TTCK nên mọi động thái của các quỹ ETF đều được NĐT dõi theo.
Đúng như kế hoạch, cuối tuần qua FTSE công bố thêm mã PVT (Tổng CTCP Vận tải dầu khí) vào rổ tính FTSE Vietnam Index và mã HVG (CTCP Tập đoàn Hùng Vương) vào danh mục FTSE Vietnam All-Share Index. Đặc biệt, FTSE không loại mã nào ra khỏi 2 chỉ số này trong lần thông báo đảo danh mục quý IV-2013. Nguyên nhân do không có mã CP nào vi phạm những nguyên tắc do quỹ này đưa ra.
Một trong những nguyên nhân khác khiến FTSE không loại bớt CP vì trong đợt cơ cấu quý III vừa qua, quỹ này đã loại bỏ 2 mã IJC (CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật) và PVF (Tổng CTCP Tài chính dầu khí) ra khỏi danh mục mà không thêm mới bất kỳ CP nào. Việc FTSE thêm PVT và HVG vào rổ hoàn toàn nằm trong dự báo của giới đầu tư trước đó.
Đã từng có những trường hợp ngoại lệ trong các lần cơ cấu trước đây. Chẳng hạn vì một số lý do các quỹ ETF có thể không nhất thiết tuân thủ 100% những nguyên tắc được họ đưa ra cho vấn đề cơ cấu. Đây cũng là quyền đã được các quỹ ETF bảo lưu trong các thông báo chính thức. |
Sau FTSE, đến ngày 13-12 quỹ VNM cũng công bố doanh mục quý IV-2013. Theo phân tích của CTCK Maybank KimEng (MBKE), tại ngày chốt dữ liệu 29-11, dựa vào các tiêu chí được đưa ra của quỹ, 3 mã CP có nhiều khả năng bị loại: PVX (Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam), HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) và HAG (CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai).
Cụ thể, đối với mã PVX, nguyên nhân bị loại do vi phạm tiêu chí vốn hóa. Theo tiêu chuẩn của VNM, các CP trong danh mục phải có vốn hóa đầy đủ ít nhất 75 triệu USD. Tuy nhiên, vốn hóa đầy đủ của PVX chỉ đạt 47,4 triệu USD. Ngoài ra, tính đến tháng 9-2013, doanh nghiệp này đang ghi nhận khoản lỗ 1.400 tỷ đồng và gần như cầm chắc sẽ ghi nhận năm lỗ thứ 3 nên nguy cơ rất lớn sẽ bị hủy niêm yết tại HNX.
Trong khi đó, HPG và HAG vi phạm tiêu chí room nước ngoài. Quy định của VNM là các CP đang nằm trong danh mục phải còn ít nhất 5% room nước ngoài có thể mua bán, nhưng room nước ngoài còn lại của HAG và HPG lần lượt là 4,63% và 4,25%.
Theo phân tích của MBKE, hiện không có bất kỳ mã CP nào nằm bên ngoài danh mục thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu để được VNM thêm mới vào danh mục trong đợt cơ cấu này. Dù vậy, do có khả năng một số mã trong danh mục có thể bị loại nên VNM có thể sẽ “du di” đôi chút trong việc lựa chọn các mã mới để thay thế.
Và những mã có thể được bổ sung là PVT, MSN (CTCP Tập đoàn Masan) và HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen). PVT thỏa mãn các yếu tố về thanh khoản, room nước ngoài, nhưng vi phạm tiêu chí về vốn hóa tối thiểu.
Theo quy định của VNM, CP muốn được thêm mới vào danh mục cần đạt mức vốn hóa tối thiểu 150 triệu USD, nhưng tính đến ngày chốt vốn hóa của PVT chỉ mới đạt gần 126 triệu USD (thiếu khoảng 16%). Ngược lại, MSN và HSG thỏa mãn các yếu tố về vốn hóa, room nước ngoài nhưng không đạt về tiêu chí thanh khoản. Quy định yêu cầu, CP muốn được thêm mới cần đạt ít nhất giá trị giao dịch bình quân trong 3 tháng gần nhất là 1 triệu USD, nhưng MSN và HSG chỉ đạt lần lượt 673.000USD và 478.000USD.
NĐT đang bám sát các động thái từ các quỹ ETF để đầu tư. Ảnh: LONG THANH |
Tại những thời điểm trong quá khứ, các đợt tái cơ cấu danh mục của ETF đều khiến thị trường có những giao dịch rất sôi động, đặc biệt tại các mã được các ETF mua bán để thay đổi danh mục. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tổng tỷ trọng đầu tư vào các công ty niêm yết tại Việt Nam của VNM đang là 71,6%, nên trong đợt cơ cấu danh mục sắp tới quỹ này cần phải điều chỉnh về đúng mức 70%.
Chính vì vậy, động thái chính của quỹ này sẽ bán ra trong kỳ cơ cấu này (tổng mức bán ròng sẽ vào khoảng 4,63 triệu USD). TTCK trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực bởi động thái bán ra của VNM.
Bên cạnh yếu tố ETF, thị trường còn bị tác động bởi thông tin, trong danh mục 376 doanh nghiệp SCIC phải thoái vốn từ nay đến 2015 có 66 doanh nghiệp niêm yết với số CP nắm giữ là 553 triệu CP. Việc thoái vốn của SCIC tạo ra một lượng cung lớn CP lên TTCK.
Theo CTCK FPT, nếu không có các biện pháp tiếp theo như nới room cho NĐTNN để thu hút nguồn vốn từ khối đầu tư ngoại, nguồn vốn trong nước khó có thể hấp thụ lượng cung lớn này.