EU sẽ tiếp tục đứng vững

GS. Koh cho rằng thành tựu lớn nhất EU đã đạt được trong 60 năm qua là đã duy trì được hòa bình tại châu Âu và trong thời gian này chưa bao giờ có chuyện 2 quốc gia thành viên gây chiến với nhau. Nhiều người đã quên rằng mục tiêu quan trọng nhất của dự án hợp nhất châu Âu là xây dựng thể chế hòa bình và ngăn chặn chiến tranh. Đó cũng là lý do EU đã được giải Nobel Hòa bình vào năm 2012.

(ĐTTCO) - Đó là khẳng định của GS. Tommy Koh, người đã từng là Đại diện Thường trực của Singapore tại Liên hiệp quốc, Giám đốc sáng lập của Tổ chức Á - Âu trong khuôn khổ ASEAN và nay là Chủ tịch Trung tâm Luật Quốc tế của Đại học Quốc gia Singapore. Theo ông, EU sẽ coi việc Anh rút khỏi khối (Brexit) như một cú hích cần thiết để tiến hành cải cách giúp EU ngày càng mạnh mẽ hơn trước.

 

Thật vậy, sự hình thành EU là kết quả của cả quá trình lâu dài sau nhiều thế kỷ diễn ra chiến tranh ở châu Âu, và không thể quên nhiều nước thành viên đã từng gây chiến với nhau. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định không để xung đột xảy ra và nảy ra ý tưởng thành lập một liên minh kinh tế - chính trị vì mục tiêu hòa bình. Năm 1952, 6 quốc gia là Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg đã khởi thủy cho hành trình EU bằng việc thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu. 6 năm sau, các nước này ký Hiệp ước Rome và dần dần tiến tới các liên kết thuế quan, thị trường chung và cuối cùng là Liên minh châu Âu, viết tắt là EU.

GS. Koh cho rằng thành tựu lớn nhất EU đã đạt được trong 60 năm qua là đã duy trì được hòa bình tại châu Âu và trong thời gian này chưa bao giờ có chuyện 2 quốc gia thành viên gây chiến với nhau. Nhiều người đã quên rằng mục tiêu quan trọng nhất của dự án hợp nhất châu Âu là xây dựng thể chế hòa bình và ngăn chặn chiến tranh. Đó cũng là lý do EU đã được giải Nobel Hòa bình vào năm 2012.

Về mặt kinh tế, hợp nhất kinh tế châu Âu dưới lá cờ EU cũng là một câu chuyện thành công. Sau thế chiến II, nhiều nước châu Âu bị tàn phá nặng nề và Kế hoạch Marshall do Hoa Kỳ chủ xướng đã giúp phục hồi kinh tế cựu lục địa. Tuy nhiên, người châu Âu đã dựa vào sức mình là chính với ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo các nước và quyết tâm của người dân trong khối. Ngày nay, mặc dù vẫn còn phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, không thể phủ nhận rằng người dân châu Âu vẫn được hưởng mức sống rất cao so với nhiều quốc gia và châu lục khác trên thế giới. EU là nền kinh tế và nhà đầu tư lớn nhất thế giới với 28% GDP toàn cầu và tỷ trọng thương mại trên thế giới là 21%. Theo Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một số nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới cũng đang là thành viên EU. Và giờ đây, không cần có nước Anh, một EU hậu Brexit vẫn còn chiếm 24,7% GDP toàn cầu và 14,2% thương mại thế giới.

Dù sao đi nữa, Brexit cũng sẽ giúp các nhà lãnh đạo EU biết cách điều chỉnh các chính sách nhằm xoa dịu những bức xúc của người dân trong khối. Trong đó có việc không áp đặt những hạn chế đối với khu vực tư nhân và người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm, cải thiện môi trường kinh doanh, tự do hóa thị trường lao động, khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho việc phát triển kỹ năng của người lao động và hỗ trợ các dự án kinh doanh. Và quan trọng hơn hết vẫn là làm sao các thành quả và phúc lợi từ toàn cầu hóa và hợp nhất kinh tế được nhiều người dân châu Âu chia sẻ chứ không chỉ dành riêng cho tầng lớp tinh hoa có học vấn hay giàu có. Một minh chứng từ Brexit là đa số người dân London vẫn bỏ phiếu ở lại EU.

Các nước thành viên EU khác có theo chân nước Anh  hay không vẫn là một câu hỏi đầy thách thức. nhưng với cái nhìn của GS. Koh, EU không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp và tương lai của 27 quốc gia thành viên hiện nay tùy thuộc vào việc làm mới lòng tin vào chính mình, củng cố lại cơ cấu kinh tế, thu hẹp khoảng cách của kẻ thắng người thua trong quan hệ liên minh và giảm vai trò điều tiết của Ủy ban châu Âu tại Bruxelles.

Các tin khác