Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, lãnh đạo khối khẳng định mọi biện pháp liên quan đến các trung tâm kiểm soát này, bao gồm việc di dời và tái định cư đều được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Hội đồng châu Âu tái khẳng định điều kiện tiên quyết cho việc thực thi chính sách EU phụ thuộc vào cách tiếp cận toàn diện vấn đề người di cư, bao gồm việc kiểm soát hiệu quả biên giới ngoài EU.
Về tuyến đường đi qua trung tâm Địa Trung Hải, EU sẽ tăng cường các nỗ lực ngăn những kẻ buôn người đưa người di cư khỏi Libya hay bất kỳ nơi nào khác. Tại tuyến đường phía Đông Địa Trung Hải, các bên sẽ đẩy mạnh việc thực thi đầy đủ thỏa thuận giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó ngăn tình trạng vượt biên từ quốc gia này. EU sẽ hỗ trợ tài chính, đặc biệt là cho Tây Ban Nha, các nước là điểm xuất phát hoặc trung chuyển như Morocco để ngăn tình trạng di cư bất hợp pháp. Tuyên bố nhấn mạnh những người di cư được giải cứu bên trong lãnh thổ EU cần được hỗ trợ theo luật quốc tế và trên cở sở nỗ lực chung thông qua việc chuyển đến các trung tâm kiểm soát tại các nước thành viên trên cơ sở tự nguyện. EU cũng sẽ triển khai Cơ sở tỵ nạn thứ 2 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp tại Berlin. Trong bối cảnh bất ổn và khủng hoảng chính trị trong nước, bà Merkel đã đồng ý lập một nguồn ngân sách đầu tư chung của Khu vực sử dụng đồng EUR (eurozone). Về vấn đề di cư - là tâm điểm của những căng thẳng trong EU, 2 nhà lãnh đạo đã cố gắng điều chỉnh các cuộc đàm phán để đối phó với các phong trào dân túy và chia sẻ gánh nặng giữa các nước thành viên.
Nhà nghiên cứu Rémi Bourgeot, thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), nhận định tuy vấn đề hội nhập thể chế của eurozone và cuộc khủng hoảng người di cư không trực tiếp có mối liên quan với nhau, nhưng lại khiến ông Macron và bà Merkel phụ thuộc lẫn nhau. Tổng thống Pháp đặc biệt lo lắng về tương lai của cuộc cải cách eurozone bất chấp thái độ lưỡng lự của Đức, trong khi Thủ tướng Đức tìm cách duy trì liên minh chính phủ mong manh trong bối cảnh chính sách về người di cư của bà bị chỉ trích gay gắt, buộc bà phải tham gia tiến trình thay đổi châu Âu vốn cần thiết phải có sự ủng hộ của Pháp.

Theo ông Bourgeot, có thể nhận thấy có sự khác biệt trong các cách tiếp cận ở những nước khác nhau, tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể cũng như sự phát triển chính trị và ý thức hệ của mỗi nước. Những nước ít bị tác động bởi cuộc khủng hoảng người di cư ngày càng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng này do những biện pháp ngầm của các nước đối tác.
Trong khi Pháp lo ngại về việc quản lý các luồng di cư đến từ các nước châu Âu khác, đặc biệt trong trường hợp bị từ chối đơn xin tỵ nạn, thì Italia bảo vệ ý tưởng tăng cường tinh thần đoàn kết ở châu Âu và thiết lập các phương tiện chung nhằm bảo vệ biên giới châu Âu, đồng thời đe dọa mở rộng các biện pháp đơn phương. Về phần mình, Đức ủng hộ cách tiếp cận tập trung vào việc quản lý các luồng di cư ở bên ngoài châu Âu thông qua một hệ thống các trung tâm ngoại vi châu Âu chịu trách nhiệm chọn lọc những người xin tỵ nạn.
Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), trong năm 2018, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải.
Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), trong năm 2018, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải.