EVN đồng tình phương án điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

(ĐTTCO)-Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh giá điện 3 tháng là có thể chấp nhận, nhưng điều quan trọng là phải công khai minh bạch các chi phí.
Nhân viên EVN ghi chỉ số côngtơ điện. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Nhân viên EVN ghi chỉ số côngtơ điện. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản 4827/EVN-TCKT góp ý về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng, quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Tập đoàn này đồng tình với giá bán lẻ điện giảm nếu chi phí đầu vào giảm 1%.

EVN cũng sẽ được phép điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần nếu chi phí đầu vào tăng 3% trở lên.

Chi phí giảm 1%, giá điện sẽ giảm

EVN cho biết trước đó đã nhận được Công văn số 4583 và Công văn số 5297 của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

EVN thống nhất với các nội dung dự thảo Quyết định sau khi hiệu chỉnh như tinh thần đã trao đổi tại cuộc họp ngày 7/8 giữa Cục Điều tiết điện lực và EVN.

Cụ thể, hàng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm của tập đoàn, giá bán điện bình quân năm được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều hành-quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Đồng thời, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân.

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện.

Điều chỉnh 3 tháng/lần

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng quy định.

"Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ," Dự thảo đề xuất.

Ngoài ra, một điểm mới trong quy định về kiểm tra chi phí sản xuất điện hàng năm là Bộ Công Thương được mời tư vấn độc lập thẩm định giá điện.

Theo dự thảo, trước ngày 25 tháng đầu tiên của quý 2, quý 3 và quý 4, EVN xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm để tính toán lại giá bán điện bình quân.

Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, với sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI, các cơ quan Nhà nước và các hiệp hội có liên quan. Cùng đó là mời tư vấn độc lập để thẩm tra Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên.

Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương công bố công khai kết quả kiểm tra. Kết quả kiểm tra được công bố công khai trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Nhân viên EVNHANOI kiểm tra vận hành thiết bị điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân. Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân.

Theo quy định mới, Tổng cục thống kê có trách nhiệm đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đến các chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và tổng sản phẩm quốc nội.

Phải công khai, minh bạch

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh giá điện 3 tháng là có thể chấp nhận, nhưng điều quan trọng là phải công khai minh bạch các chi phí.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường, nhưng hiện Quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không dám tự điều chỉnh giá điện.

"Về mặt thị trường điện, trong khối ASEAN, số quốc gia điều chỉnh giá điện từ 3-4 tháng chiếm số lượng nhiều. Điều chỉnh giá điện 3 tháng cũng được, nhưng vấn đề đặt ra là phải làm sao để công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền. Để làm được điều đó, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra. Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nên làm việc, mời thêm những chuyên gia đầu ngành về năng lượng và giá do Chính phủ chỉ định, để quyết định việc điều chỉnh giá điện. Trường hợp, nếu giá than biến động mạnh thì có thể điều chỉnh 3 tháng một lần, còn không thì điều chỉnh 6 tháng 1 lần để tránh giật cục," chuyên gia Đào Nhật Đình nói.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Đào Nhật Đình, khi điều chỉnh giá điện, cần lấy giá nguyên liệu để làm chuẩn. Ví dụ như Singapore lấy giá gas (xuất ở cảng Singapore) làm chuẩn, ở Thái Lan do Nhà Vua chỉ định nhưng cũng lấy giá gas làm chuẩn. Còn ở Việt Nam, tính chất nguyên liệu có phát điện có đặc thù khác, do vậy, cần lấy giá than của Indonesia làm chuẩn. Than của Indonesia là than nhiệt (phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam), còn than của Austrailia chủ yếu là than đá, không phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam.

"Việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần không nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ bảng giá mà có thể đặt ra phụ trợ nhiên liệu, khi nào giá than tăng thì giá điện cũng tăng theo và ngược lại, khi giá than giảm thì giá điện cũng phải giảm theo," ông Đào Nhật Đình nói.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, hiện nay, việc tính toán giá thành cho các yếu tố đầu ra, đầu vào, lương thưởng... vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch. Do vậy, nếu giao thẩm quyền cho EVN cứ 3 tháng 1 lần được điều chỉnh giá điện thì cần phải thận trọng trong việc xem xét.

Các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện. Do đó, cần phải có ngay thị trường điện cạnh tranh. Thị trường điện cạnh tranh có 3 khâu quan trọng: phát điện, bán buôn và bán lẻ. Để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.

Các tin khác