EVN Telecom: Cục nợ hay đống vàng?

EVN Telecom đang trở thành cái tên “nóng” nhất trên thị trường viễn thông khi nhà mạng này được các ông lớn “nhòm ngó”. Mới đây nhất là cuộc tranh giành quyết liệt giữa Hanoi Telecom (chủ sở hữu Vietnamobile, liên danh với EVN Telecom để thi tuyển 3G) và “ông lớn” Viettel. Sự thể chưa ngã ngũ nhưng trên thị trường, sim điện thoại đầu số 096 bắt đầu thu hút sự chú ý.

EVN Telecom đang trở thành cái tên “nóng” nhất trên thị trường viễn thông khi nhà mạng này được các ông lớn “nhòm ngó”. Mới đây nhất là cuộc tranh giành quyết liệt giữa Hanoi Telecom (chủ sở hữu Vietnamobile, liên danh với EVN Telecom để thi tuyển 3G) và “ông lớn” Viettel. Sự thể chưa ngã ngũ nhưng trên thị trường, sim điện thoại đầu số 096 bắt đầu thu hút sự chú ý.

Tranh nhau vì 3G?

Hanoi Telecom vừa có công văn gửi Cục quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng “tố” việc vi phạm Luật Cạnh tranh trong việc chuyển giao EVN Telecom cho Viettel, nối dài thêm sự căng thẳng trong cuộc đua mua EVN Telecom của 2 nhà mạng này.

Động thái mới này của Hanoi Telecom được đánh giá thể hiện sự quyết liệt trong việc giành mua “cục nợ” EVN Telecom.

Ước tính viễn thông điện lực đang phải “cõng” trên lưng khoản dư nợ khổng lồ lên tới 7.000 tỷ đồng, đó là chưa kể khoản thua lỗ 3.000 tỷ đồng từ việc đầu tư vào mạng 3G cùng với danh tiếng đang “chìm nghỉm”.

Trước đó, cuối tháng 10, Viettel đã triển khai việc tiếp nhận EVN Telecom theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, EVN Telecom sẽ được chuyển về Viettel nguyên trạng, các nguồn vốn, toàn bộ tài sản, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin. Viettel cũng đã thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận chuyển giao EVN Telecom.

Cùng thời điểm đó, Hanoi Telecom cũng gửi công văn lên Chính phủ và tới EVN Telecom xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng 3G với nguyên giá trị đầu tư, khởi đầu cho cuộc chạy đua chưa có hồi kết.

Dù các đại gia đang nhăm nhe mua lại nhà mạng này không tiết lộ lý do, cũng không khó để lý giải nguyên do biến EVN Telecom từ “cục nợ” sang “đống vàng”. Những ai am hiểu thị trường viễn thông đều rõ thời điểm của 3G giá rẻ đang đến gần, phần “ngon” nhất của EVN Telecom cũng nằm ở đây.

Đây là lý do để Hanoi Telecom quyết mua bằng được, còn Viettel cũng khẳng định sẽ không nhận EVN Telecom nếu bị cắt mất phần 3G. Hanoi Telecom đang bị ép vào thế khó nếu không mua lại được phần thiết bị và hạ tầng mạng 3G mà EVN Telecom đã đầu tư.

Bởi chỉ với một phần nhỏ băng tần 3G còn lại, Hanoi Telecom không thể cung cấp dịch vụ 3G với giá cả cạnh tranh nhất do chi phí triển khai quá lớn.

Về phía Viettel, dù sẽ phải “ôm” trọn cả mạng 2G băng tần CDMA 450 MHz không đồng bộ với hạ tầng sẵn có, nhưng bù lại nắm được phần lớn quỹ tần số 3G, cộng thêm được sở hữu hạ tầng các cột điện trên toàn quốc.

Đầu cơ sim và nghe ngóng

Cuộc đua này ai thắng sẽ phải chờ Chính phủ quyết định. Nếu đưa EVN Telecom về Viettel, có thể thế chân vạc Viettel -  MobiFone - VinaPhone sẽ bị phá vỡ và việc Viettel lên ngôi “vương” là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong khi 2 “đại gia” đang ra sức giành giật thì thị trường sim thẻ bắt đầu có những chuyển dịch đáng kể.

Từ chỗ không mấy người ngó ngàng do chất lượng sóng kém, độ phủ sóng thấp, sim đầu số 096 đã thu hút sự quan tâm trở lại trước thông tin sẽ “về” với Viettel. Hiện tại, đã có nhiều chủ đại lý lặng lẽ gom sim đẹp của EVN Telecom và “ghìm” hàng, chưa tung ra vội.

Theo chủ một đại lý sim thẻ trên phố Kim Mã, Hà Nội, nếu tìm mua sim đẹp của EVN bây giờ sẽ rất khó vì chưa ai muốn bán. Bình thường, một sim đẹp của EVN bán giá khoảng vài chục triệu đồng, sau khi đổi sang Viettel, giá có thể lên đến mấy trăm triệu đồng.

Thông tin này được chứng thực khi dọc các phố sim thẻ như Kim Mã, Hàng Trống… rất dễ để mua sim EVN bình thường nhưng các chủ hàng đều lắc đầu trước sim đẹp.

Anh Minh, chủ một cửa hàng sim thẻ trên phố Hàng Trống chìa ra 3 chiếc sim EVN bộ Kit Mega 3G giá 25.000 đồng cuối cùng khi được hỏi và cho rằng, sim bán chậm nên rất ngại nhập.

“Thời gian gần đây, nhiều người hỏi mua sim của nhà mạng này nhưng chủ yếu là sim đẹp, sim bình thường vẫn chậm. Nếu EVN Telecom về với Viettel chắc lượng mua sẽ tăng cao hơn”- anh Minh nói.

Trên mạng, một số website về sim số lớn cũng bắt đầu rao bán và cập nhật một lượng lớn sim đẹp đầu số 096, giá cả dao động từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Một số khách hàng cũng đã “đón lõng” trước việc EVN Telecom sáp nhập vào Viettel khi mua sim đẹp mạng EVN dưới dạng cam kết (trả 400.000 đồng/tháng trong vòng 6 tháng).

“Dù không thể đẹp bằng sim các đại lý đầu cơ nhưng với sim có đuôi “tam hoa” 666 mình mua mà mức giá như trên là quá rẻ”- Hương, chủ nhân của sim 096xxx3666 chia sẻ.

Các tin khác