Một công cụ hữu ích
Theo ông Vũ Đức Hải, Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ của Eximbank, FCI là chỉ số rất quan trọng đối với người kinh doanh tiền tệ và chứng khoán hiện nay. Trên thế giới FCI được nhắc đến nhiều từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, và khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) họp về chính sách tiền tệ, quyết định lãi suất cũng có đưa ra FCI.
Theo đó, khi điều kiện tài chính thắt chặt FED sẽ tăng tiếp lãi suất đồng USD. Thời gian qua, FED đã tăng lãi suất 5 lần từ 0%/năm lên 1,25-1,5%/năm và thị trường cho rằng FED đang thắt chặt tiền tệ, tuy nhiên nếu thông qua lăng kính FCI, có thể nói FED tăng lãi suất nhưng điều kiện tài chính đang nới lỏng, thậm chí nới lỏng ở mức lớn nhất kể từ năm 1994.
TS. Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản trị rủi ro Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, chỉ số FCI sẽ là chỉ số quan trọng để mô tả diễn biến của GDP so với các chỉ số khác, và thay vì thuyết phục đối tác bằng một loạt các chỉ số và đồ thị chằng chịt, có thể sử dụng chỉ số FCI để dễ hình dung những điều có thể xảy ra trong những kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng, chất lượng dữ liệu kinh tế tại Việt Nam hiện nay là một vấn đề thách thức đối với việc xây dựng chỉ số FCI, và sự công nhận của thị trường đối với chỉ số này cần có thời gian kiểm chứng nhất định.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu UEH, kết quả phân tích nhân tố cho thấy lãi suất liên NH qua đêm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số FCI xây dựng được. Tiếp đến là sự đóng góp của biến tỷ giá hối đoái. Phần bù rủi ro tín dụng xếp thứ ba trong tỷ trọng đóng góp vào FCI.
Các biến tài chính thành phần còn lại lần lượt là biến động chỉ số VN Index, tăng trưởng tín dụng, biến động tỷ giá và tăng trưởng chỉ số VN Index. Từ đó kết luận, nhóm yếu tố lãi suất, tỷ giá hối đoái và tín dụng đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành chỉ số FCI tại Việt Nam.
Phải phù hợp biến số của Việt Nam
TS. Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định, việc “gom” những chỉ số tài chính lại thành một chỉ số tổng hợp như FCI để đo lường, dự báo cho tăng trưởng của nền kinh tế là điều rất tốt, song cần hoàn thiện hơn nữa bộ chỉ tiêu này để trở thành công cụ chính sách và có sức lan tỏa đối với thị trường và cần phải đăng ký độc quyền đề tài nghiên cứu này.
Tuy nhiên, TS. Trương Văn Phước cũng góp ý, vấn đề này trên thế giới cũng đã được nghiên cứu nên chúng ta nghiên cứu phải làm sao để FCI phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bởi liều lượng của các biến số nằm trong FCI này có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, các biến thành phần trong FCI coi trọng lãi suất liên NH, trong thực tiễn tại Việt Nam có lãi suất liên NH ở thị trường 2 để các NH gọi vốn qua lại với nhau và lãi suất trên thị trường tín dụng, nhưng lãi suất liên NH có vai trò vô cùng mờ nhạt.
Vì vậy, biến lãi suất liên NH trong thành phần chỉ số FCI cần phải xem lại, thậm chí có thể bỏ biến lãi suất liên NH trong nhóm các biến số, vì đã có biến tăng trưởng tín dụng nằm trong bộ chỉ tiêu này. Lấy thí dụ hiện nay NH A vay NH B cũng phải có thế chấp, nên vay liên NH không đúng với nghĩa liên NH.
Thứ hai, trong FCI có biến số và trọng số tỷ giá hối đoái, nhưng rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ giá hối đoái tại Việt Nam rất quan trọng nhưng tác động đến tăng trưởng trong ngắn hạn là vô cùng mờ nhạt, mà chỉ có tác dụng trong dài hạn vì nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu rất lớn.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ lý do vì sao đặt vấn đề nếu VN Index tăng có thể nói là điều kiện tài chính thắt chặt? Và vì sao tỷ giá hối đoái tăng là điều kiện tài chính nới lỏng?
Góp ý về FCI, ông Cao Tấn Phát, chuyên gia phân tích tài chính phân tích: Trước năm 2012, lãi suất liên NH, nhất là lãi suất liên NH qua đêm có thể là công cụ để đo lường thanh khoản của hệ thống NH, nhưng hiện nay lại không phản ánh được vấn đề này. Bởi bản chất của thị trường liên NH Việt Nam bị chi phối quá nhiều nhóm các NHTM có vốn nhà nước, và chính những NH này cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Chẳng hạn trong thời gian vừa qua, lượng trái phiếu chính phủ không được giải ngân như kế hoạch đã chảy vào các NHTM có vốn nhà nước, giúp thanh khoản dư thừa để tăng cung trên thị trường liên NH, ảnh hưởng gián tiếp đến lãi suất liên NH, nhưng không phản ánh thực tế về việc tiền vào nền kinh tế.
Với những ý kiến đóng góp, nhóm nghiên cứu chỉ số FCI cho biết sẽ nghiên cứu hoàn thiện thêm chỉ số FCI trong thời gian tới, cập nhật để thay đổi trọng số thêm vào chỉ số khi điều kiện thị trường thay đổi để chỉ số được chính xác. Các dữ liệu này sẽ được công bố thường xuyên định kỳ theo tháng hoặc tuần, kèm theo đó sẽ có các phân tích, góc nhìn để thị trường hiểu thêm diễn biến của chỉ số này cũng như tính dự báo trong tương lai.