FCN Lợi nhuận bù rủi ro pha loãng?

CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon (FCN) được đánh giá cao về triển vọng trong thời gian tới, với hàng loạt dự án bắt đầu được ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên, với kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi sắp được thực hiện,  rủi ro pha loãng đang khiến NĐT phân vân khi đầu tư vào FCN.

CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon (FCN) được đánh giá cao về triển vọng trong thời gian tới, với hàng loạt dự án bắt đầu được ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên, với kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi sắp được thực hiện,  rủi ro pha loãng đang khiến NĐT phân vân khi đầu tư vào FCN.

 Đại hội cổ đông FCN 2015

 Đại hội cổ đông FCN 2015

Đặc tính mùa vụ

Theo BCTC quý III, FCN đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đạt kết quả thấp so với kế hoạch 2015, với doanh thu đạt 884,5 tỷ đồng (tăng 57,6% và hoàn thành 49,8% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt đạt 68,3 tỷ đồng (tăng 25,4% và hoàn thành 42,7 % kế hoạch). Nguyên nhân do tiến độ dự án Long Sơn, một dự án lớn của FCN, chậm hơn dự kiến. Biên lợi nhuận gộp của FCN giảm mạnh xuống 17,7% so với mức 21,5% của cùng kỳ năm trước, do phần lớn doanh thu đến từ phân khúc thi công và cung cấp cọc có biên lợi nhuận thấp hơn so với phân khúc thi công xử lý nền đất yếu. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh ở phân khúc cung cấp cọc ngày càng gay gắt, đã khiến FCN phải giảm giá nhằm duy trì thị phần. Đặc biệt, các khoản phải thu giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2015. Phần lớn khoản phải thu từ các công ty lớn như Samsung, Kanamoto, các công ty con/liên kết của FCN và khách hàng khác muốn giữ lại 5% giá trị hợp đồng để đảm bảo FCN cung cấp tốt dịch vụ bảo hành công trình. FCN có 2 khoản phải thu khó đòi đến từ các dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú và Thái Bình 2. Khả năng FCN có thể thu được khoản phải thu từ Long Phú 102 tỷ đồng trong năm nay.

Tuy nhiên, theo công bố mới nhất từ FCN, doanh nghiệp này có thể sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2015 là 1.800 tỷ đồng và 94% kế hoạch lợi nhuận ròng 160 tỷ đồng, nhờ đặc tính mùa vụ và việc ghi nhận doanh thu từ các dự án hiện có. Theo FCN, một số dự án lớn được ghi nhận vào doanh thu năm 2015 bao gồm: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, tổ hợp dự án Samsung tại TPHCM, Bắc Ninh và Thái Nguyên (550 tỷ đồng); dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (70 tỷ đồng) và dự án với Công ty Đại Quang Minh. Tại thời điểm tháng 11-2015, các dự án mới đã ký kết và các dự án có khả năng ký kết cao đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Rủi ro pha loãng CP

Năm 2016, HĐQT của FCN đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lần lượt 2.200 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Theo đó, phân khúc thi công và cung cấp cọc sẽ đóng góp 50% tổng doanh thu, tiếp theo là phân khúc xây dựng nền móng (30%) và phân khúc cơ sở hạ tầng (20%). Một số dự án lớn trong năm 2016 bao gồm Đại Quang Minh (200 tỷ đồng), Long Sơn (100 tỷ đồng), Phú Lý (230 tỷ đồng) và cầu Hưng Hà (300 tỷ đồng). Để có thể đảm nhận tốt các dự án này, buộc FCN phải tăng cường tối đa năng lực về tải sản, tăng đầu tư góp vốn vào các công ty khác để mở rộng sang lĩnh vực xây dựng hạ tầng và công trình ngầm bằng nguồn vốn vay nợ. Theo thống kê, tổng tài sản FCN cuối tháng 9-2015 tiếp tục tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm 2015, đạt mức 2.466 tỷ đồng (tăng 12,5%). Cơ cấu tài sản biến động đã phản ánh chiến lược tiếp tục góp vốn của FCN vào vào các công ty FCI, FCC, TEDI, Cienco1 và Kanamoto Hassyu.

Ngoài ra, FCN còn chú trọng đến giải pháp phát hành trái phiếu chuyển đổi. FCN dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi trong quý I-2016 cho Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ), với tổng giá trị 132 tỷ đồng; mức giá chuyển đổi 19.700 đồng/CP. Trước đó, FCN đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho DBJ, VCBS, Non-Ucits và Vietnam Holdings. Nếu tính luôn số trái phiếu chuyển đổi sắp phát hành cho DBJ, tổng giá trị trái phiếu cho các đối tác của FCN lên đến 500 tỷ đồng. Hiện FCN đang giao dịch ở mức 20.000 đồng/CP, tương ứng với P/E là 6,7x và P/B là 1,3x.

Theo tính toán của CTCK VPBank, có khoảng 13 triệu CP đủ điều kiện để được chuyển đổi trong năm 2016 với giá khoảng 19.500-20.400 đồng/CP, tương đương giá thị trường hiện nay. Do thặng dư của trái phiếu chuyển đổi không cao và sẽ có lợi đối với cổ đông hiện hữu vì các trái chủ ít có động lực để chuyển đổi trái phiếu đang nắm giữ và bán số CP được chuyển đổi ra thị trường. Do đó, nhiều khả năng FCN sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong 3 năm tới, không quá cao nhưng đủ để bù lại rủi ro pha loãng CP. Với nhận định tương tự, CTCK Vietcombank cho rằng vị thế hàng đầu trong lĩnh vực nền móng và việc mở rộng mảng kinh doanh mới sẽ đem lại triển vọng tăng trưởng cho FCN với tỷ lệ CAGR trên 20% cho giai đoạn 2015-2017. Tốc độ tăng trưởng này sẽ tốt hơn tốc độ pha loãng dự kiến từ trái phiếu chuyển đổi trong 3 năm tới. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng và mở rộng quy mô kinh doanh đang dựa trên sự gia tăng vay nợ và phát hành trái phiếu chuyển đổi có thể làm thay đổi cơ cấu nguồn vốn và tăng chi phí lãi vay trong ngắn hạn.

Các tin khác