FDI sạch cho kinh tế xanh

Trong nhiều năm liền, Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng mọi giá, bất kể vào đâu, bất chấp tác động. Giờ đây sau 25 năm đón nhận dòng tiền mới với những cái được và nhiều cái mất, điều mọi người mong muốn là sẽ thu hút những dòng FDI sạch, cho một nền kinh tế “xanh” hơn.

Trong nhiều năm liền, Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng mọi giá, bất kể vào đâu, bất chấp tác động. Giờ đây sau 25 năm đón nhận dòng tiền mới với những cái được và nhiều cái mất, điều mọi người mong muốn là sẽ thu hút những dòng FDI sạch, cho một nền kinh tế “xanh” hơn.

Xu hướng FDI sạch

Trước cảnh báo về việc các doanh nghiệp FDI phần lớn chỉ sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, chủ yếu đầu tư các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, bất động sản, trong tương lai để lại nhiều hậu quả khó lường với môi trường và cả nền kinh tế, hiện nay nhiều địa phương đã chú ý hơn đến việc thu hút đầu tư sạch.

Tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ông Lê Tấn Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng, cho biết từ năm 2008 huyện có chủ trương chỉ xem xét, tiếp nhận các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất của người dân. Huyện đã từ chối một số dự án không đáp ứng những yêu cầu này, như dự án sản xuất bột giấy và 2 dự án thép.

FDI sạch cho kinh tế xanh ảnh 2Việt Nam cần chủ động lựa chọn đối tác theo từng lĩnh vực thu hút FDI để loại bỏ những dự án, công nghệ yếu kém. Nên tập trung thu hút FDI liên quan đến công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và ngành tài chính. Việc chọn lọc nguồn vốn sẽ khiến FDI sụt giảm. Tuy nhiên, không thể cứ tiếp tục cần số lượng là chấp nhận mọi dự án, kể cả dự án gây ô nhiễm, vì hậu quả trong tương lai sẽ rất khủng khiếp, khó khắc phục được dù có bỏ ra nhiều tiền.
FDI sạch cho kinh tế xanh ảnh 3

TS. Trần Du Lịch

Ông Bùi Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Đại Lộc, cho biết địa phương luôn kiên quyết nói “không” với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và tiếng ồn.

“Trên cơ sở đó, năm qua huyện Đại Lộc đã cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ xuất khẩu vào đầu tư, bởi công ty này sử dụng công nghệ băm lúc cây còn tươi, khác với dây chuyền cũ trước phải sấy khô mới băm nên gây khói, bụi.

Địa phương còn tiếp nhận một nhà máy sản xuất gạch không nung, một dự án sản xuất thức ăn gia súc bằng công nghệ mới. Một thí dụ điển hình cho việc thu hút đầu tư những ngành sử dụng hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường là dự án sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác ngành dệt may của Công ty Groz-Beckert Việt Nam (Đức). Nhà máy thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may có hàm lượng công nghệ khá cao” - ông Ân nói.

Bình Dương, nơi có nhiều cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động, cho biết khoảng 8% số dự án xin đầu tư vào đây bị từ chối do lo ngại ô nhiễm. Khu công nghiệp Singapore Ascendas - ProtradeTech Park đang được xây dựng trên diện tích 500ha của Bình Dương dự kiến ưu tiên doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch trong ngành thực phẩm và nước giải khát, năng lượng, điện tử, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm.

Không hy sinh môi trường

Phát triển kinh tế không quan tâm đến vấn đề môi trường sẽ gây ra những thiệt hại khôn lường. Đơn cử như Trung Quốc, để duy trì tốc độ phát triển cao trong thời gian dài, quốc gia đông dân nhất thế giới này sẵn sàng hy sinh môi trường. Thậm chí, giới lãnh đạo Trung Quốc từng phát biểu rằng chính sách bảo vệ môi trường phải chừa chỗ cho nền kinh tế phát triển. Giờ đây, nước này đang hứng chịu những hậu quả khủng khiếp.

GS. Đường Nhiệm Ngũ, Giám đốc Viện quản lý Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhận xét: "Trong quá trình tăng trưởng, chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức, đặc biệt một số lãnh đạo địa phương đã theo đuổi mục tiêu phát triển thái quá, hy sinh môi trường sinh thái để thực hiện tăng trưởng. Đã đến lúc Trung Quốc không thể tiếp tục hy sinh môi trường để phát triển với tốc độ cao nữa”.

Ô nhiễm môi trường bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây thiệt hại kinh tế và đe dọa sự phát triển bền vững của Trung Quốc. Ô nhiễm môi trường gây tổn thất 230 tỷ USD, khiến hơn 1,2 triệu người qua đời trong năm 2010.

Chính phủ nước này thừa nhận việc xuất hiện các làng ung thư và số ca ung thư phổi tại Bắc Kinh tăng 60% trong vòng 10 năm qua. Khoảng 70% sông hồ và 90% mạch nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí không thể cho súc vật uống.

Vấn nạn ô nhiễm ở Trung Quốc trầm trọng đến mức nhiều địa phương, người dân xuống đường biểu tình phản đối các dự án xây dựng công xưởng và nhà máy lọc dầu. Mới đây tại Thượng Hải, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình chống việc xây dựng một xưởng sản xuất pin lithium.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, mỗi năm tình trạng ô nhiễm môi trường gây thiệt hại 5,5% GDP. Hàng năm, Việt Nam phải chi 780 triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên. Hậu quả do tăng trưởng kinh tế tác động lên môi trường có thể kéo lùi phát triển kinh tế. Do vậy, điều cần làm chính là lựa chọn: tăng trưởng hay môi trường?

Các tin khác