Việt Nam chưa có "deal" bán vốn nào trong lĩnh vực tài chính vươn tới tầm tỷ USD, cho tới khi thương vụ FE Credit diễn ra. Thỏa thuận bán 49% vốn tại công ty này của VPBank với Sumitomo Mitsui (SMFG) có giá trị xấp xỉ 1,4 tỷ USD, tương đương với định giá FE Credit khoảng 2,8 tỷ USD.
Con số này ngang với giá trị vốn hóa của VIB (2,65 tỷ USD), và vượt nhiều nhà băng thuộc tầm trung trên thị trường như SHB (vốn hóa 2,2 tỷ USD), HDBank (2 tỷ USD), OCB (1,15 tỷ USD), LienVietPostBank (1 tỷ USD).
Sức nặng của con số này còn lớn hơn nếu nhìn vào lịch sử phát triển của FE Credit. Công ty này xuất phát điểm là một bộ phận kinh doanh thuộc VPBank, đến năm 2015 mới chuyển đổi thành một pháp nhân độc lập. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, lợi thế đi đầu và khẩu vị rủi ro cao giúp FE Credit nhanh chóng trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank, tăng trưởng với tốc độ phi mã, dù đi cùng không ít tai tiếng.
Năm 2010, khi VPBank còn sử dụng tên cũ là Ngân hàng Ngoài quốc doanh, nhà băng này chỉ ở nhóm dưới trong hệ thống. Quá trình chuyển giao quyền lực giữa các nhóm cổ đông mang làn gió mới cho ngân hàng, cả về nhân sự và chiến lược hoạt động.
Khác với những người đồng cấp thường giữ quan điểm thận trọng về nợ xấu, lãnh đạo VPBank từ những năm đầu thập niên gần đây đã có cách tiếp cận cởi mở hơn. CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh từng nhiều lần khẳng định nợ xấu là điều không tránh khỏi trong hoạt động, điều quan trọng là các nhà băng có chấp nhận và quản lý được rủi ro này không.
Cách đánh giá này được xem là tự tin, thậm chí còn bị giới phân tích nghi ngờ, khi ngành ngân hàng vừa trải qua một cuộc khủng hoảng với nợ xấu chính là nút thắt lớn nhất. Tuy nhiên, những gì mà VPBank làm được đã chứng minh hiệu quả của hướng đi mới, đặc biệt là FE Credit.
Mảng tài chính tiêu dùng của VPBank manh nha khi thị trường còn tương đối sơ khai. Các hoạt động cho vay hầu hết là chi tiêu mua sắm. Sau khoảng ba năm đầu định hình hướng đi, cách FE Credit chọn là đánh mạnh vào phân khúc cho vay tín chấp tiền mặt, mảng kinh doanh mà nhiều bên bỏ qua vì sợ rủi ro.
Khác với các khoản vay có tài sản đảm bảo, cho vay tín chấp có độ rủi ro cao hơn, nhưng là một "mảnh đất màu mỡ" vì nhu cầu thị trường rất lớn. Một nhóm khách hàng không có đủ điều kiện tiếp cận vay thế chấp, hay gọi chung là phân khúc "dưới chuẩn" bị thị trường bỏ qua. Họ chủ yếu phải tìm tới tín dụng đen.
Cơn khát của thị trường được giải với sự xuất hiện của FE Credit. Kết quả là chỉ sau thời gian ngắn, công ty tài chính tiêu dùng trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank. Lợi nhuận ngân hàng vượt 1.000 tỷ lần đầu vào năm 2013 và đến năm 2017 đã gấp hơn 6 lần, trong đó giai đoạn 2016-2017, FE Credit đóng góp trên 40%.
Hai năm gần đây, tăng trưởng của FE Credit chững lại nhưng việc đi chậm là cần thiết. Chuẩn hóa mô hình hoạt động, cơ cấu lại sản phẩm và đặc biệt là hướng nhiều hơn vào công nghệ sau một giai đoạn tăng trưởng nóng giúp FE Credit tạo nền tảng vững hơn. Cho tới cuối năm 2020, thị phần của công ty này vẫn dẫn đầu, với quy mô quá nửa toàn thị trường.
Thương vụ bán 49% vốn cho SMFG, theo giới phân tích, cũng là bước đi hợp lý cho cả FE Credit và VPBank.
"Bán 49% vốn FE Credit cho SMFG không có nghĩa VPBank bỏ đi con gà đẻ trứng vàng. Có thêm đối tác chiến lược, FE Credit có thể mang lại giá trị lớn hơn", ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank khẳng định trước các cổ đông tại phiên họp thường niên năm 2021 mới đây.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, cho biết thêm, ban đầu VPBank tính tới hai phương án là IPO FE Credit hoặc tìm cổ đông chiến lược.
"Nếu bán 100% vốn FE Credit thì chỉ cần quan tâm đến giá, VPBank thu về lợi nhuận cao hơn. Một số nhà tư vấn trong và ngoài nước đã đưa ra phương án IPO với định giá FE Credit gần 4 tỷ USD", ông Dũng cho biết. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, ngân hàng quyết định chọn phương án hợp tác với SMFG.
Theo FiinGroup, đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính và phân tích, FE về dài hạn sẽ hưởng lợi từ giao dịch M&A. Đầu tiên là nguồn vốn giá rẻ từ SMBC. Khả năng cao là FE sẽ tận dụng cơ hội này để huy động mới và/hoặc cơ cấu lại nguồn vốn huy động hiện tại. Điều này sẽ giúp cải thiện chi phí vốn, NIM và lợi nhuận của FE trong khi không cần phải theo đuổi các sản phẩm và/hoặc phân khúc khách hàng quá rủi ro.
Ngoài ra, kinh nghiệm quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng do SMBC đã có các công ty tài chính tiêu dùng ở cả Nhật, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan cũng là mảnh ghép cần thiết cho chặng đường dài hơi của công ty này.
"Miếng bánh của VPBank tại FE Credit có thể giảm đi về mặt tương đối, song giá trị tuyệt đối sau này có thể sẽ cao hơn nhiều so với hiện tại. FE Credit vẫn là một cấu phần quan trọng trong lợi nhuận VPBank", CEO VPBank nói và cho biết, ngân hàng vẫn xây dựng chiến lược hỗ trợ, cùng đối tác Nhật đưa FE Credit phát triển mạnh hơn.