(ĐTTCO) - Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã khép lại năm 2015 bằng một hành động chưa từng có kể từ năm 2006, đó là nâng lãi suất, khởi đầu cho một giai đoạn thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn. Tuy nhiên, sẽ có một số yếu tố tác động khiến FED có thể ngưng tăng lãi suất trong năm 2016?
Lá phiếu phủ quyết đến từ Brazil...
Kể từ khi các nhà làm chính sách của FED kỳ vọng sẽ có 4 lần nâng lãi suất trong năm 2016, các nhà phân tích Phố Wall đã tự hỏi khi nào FED sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất tiếp theo và sẽ có bao nhiêu đợt như thế trước khi thế giới quay trở lại một chính sách tiền tệ bình thường? Tuy vậy, theo Business Insider, vẫn có những người tin rằng một điều gì đó có thể khiến cho kế hoạch thắt chặt tiền tệ của FED bị phá sản, vì họ tin rằng mức tín dụng yếu ở các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ khiến cơ quan này không thể tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016.
Larry McDonald, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô về nền kinh tế Hoa Kỳ tại Ngân hàng Societe Generale, là một người như thế. Để minh họa cho quan điểm của mình, ông đã gửi cho Tạp chí Business Insider một biểu đồ từ Brazil, nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. Biểu đồ này cho chúng ta thấy trái phiếu thời hạn 10 năm so với hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) 5 năm của quốc gia này. Về cơ bản, CDS chính là bảo hiểm cho sự thua lỗ của trái phiếu.
“Trái phiếu thời hạn 10 năm của Brazil hiện đang thấp hơn 5 điểm so với các mức căng thẳng tháng 9. Câu hỏi trị giá 64.000 tỷ USD cho năm 2016 là liệu rủi ro tín dụng có phủ quyết lộ trình thắt chặt tiền tệ hiện tại của FED? Câu trả lời của tôi là có” - McDonald viết trong email. Brazil - giống như nhiều nền kinh tế mới nổi khác - hiện đang trong tình trạng căng thẳng, một phần vì giá cả của các loại hàng hóa như dầu và quặng sắt đang trên đà giảm sâu. Tại thời điểm mong manh này, các nền kinh tế mới nổi cần tất cả tiền từ các nhà đầu tư đổ vào, nhưng những đợt tăng lãi suất liên tiếp của FED sẽ khiến dòng tiền ấy đổ sang Hoa Kỳ vì các nhà đầu tư luôn muốn tìm nơi giữ tiền an toàn hơn.
Điều này cũng sẽ xảy ra với các nền kinh tế phát triển có sản xuất hàng hóa, như Australia và những quốc gia được mệnh danh là nhà sản xuất như Đức. Nó cũng lan cả sang các nền kinh tế mới nổi có sản xuất hàng hóa. Nhu cầu về sản phẩm của các quốc gia này sẽ giảm vì việc tiêu thụ ở các thị trường mới nổi sẽ chậm lại.
Hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) 5 năm của Brazil. |
Do tình trạng giảm phát?
Nói cách khác, tình trạng giảm phát sẽ phổ biến hơn, đây cũng chính là những gì FED đang cố gắng ngăn chặn bằng chính sách lãi suất ở mức zero của mình trước thời điểm tăng lãi suất vào tháng 12-2015 vừa qua. Không ai biết được khi nào giá cả của các loại hàng hóa sẽ tăng trở lại, nhưng các nhà phân tích thấy rất ít chất xúc tác tích cực trong tương lai gần. Đó là điều khiến cho những người như McDonald tự hỏi liệu FED có tiếp tục thắt chặt nguồn cung tiền hay không. Nên nhớ rằng, trước đây FED đã từng trì hoãn việc thực hiện các quyết định chính sách vì nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn quyết định không tăng lãi suất trong tháng 9-2015 một phần là vì tính chất dễ biến động trên các thị trường Trung Quốc. Nhưng rồi, kinh tế Trung Quốc vẫn có vấn đề khi FED quyết định tăng lãi suất trong tháng cuối năm ngoái.
Vì thế câu hỏi đặt ra là liệu FED có đưa thế giới về lại trạng thái cân bằng không nếu mọi chuyện bên ngoài Hoa Kỳ thật sự đang đi... trật đường ray? Phần còn lại của thế giới sẽ đói tiền mặt dễ vay hơn trong năm 2016 và FED có thể phải đóng vai trò là nhà cung cấp cho họ.
(Theo Business Insider)