Thế nhưng, để thành công ở mảng kinh doanh mới này là không dễ dàng với doanh nghiệp vốn có thế mạnh về mảng công nghệ (ICT).
Thị trường ICT bão hòa
FRT (thành lập năm 2012) hiện là nhà phân phối bán lẻ ICT đứng thứ 2 tại Việt Nam với 18% thị phần, sau CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) chiếm 42% thị phần. FRT có 473 cửa hàng, trong đó có 461 cửa hàng FPTShop và 12 cửa hàng F.Studio (cửa hàng bán lẻ ủy quyền của Apple).
Theo báo cáo tài chính 2017, doanh thu và lợi nhuận ròng của FRT đạt lần lượt hơn 13.000 tỷ đồng (tăng 21%) và 290 tỷ đổng (tăng 39,7%). Mức tăng này nhờ tập trung vào dòng điện thoại chất lượng cao (giá bán trên 13 triệu đồng) và tiết giảm các chi phí.
Tuy nhiên, với dư địa tiêu thụ điện thoại thông minh và khả năng chiếm lĩnh thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ không còn lớn, doanh thu trên mỗi cửa hàng hiện hữu của 2 chuỗi lớn nhất là Thegioididong và FPTShop đều giảm xuống mức khá thấp 1-1,5% so với mức 2 chữ số những năm trước, thậm chí có khả năng rơi về mức tăng trưởng âm trong tương lai.
Trong khi đó, chuỗi F.Studio chưa đóng góp gì nhiều do đa số người tiêu dùng vẫn chuộng các sản phẩm xách tay. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo FRT đã chủ động tìm động lực tăng trưởng mới bằng việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu, với 12 cửa hàng tại TPHCM nhằm đa dạng hóa sản phẩm bán lẻ.
Chỉ kỳ vọng trong dài hạn
Chỉ kỳ vọng trong dài hạn
Theo đánh giá của CTCK KIS Việt Nam (KIS), FRT đã rất khôn ngoan khi lựa chọn M&A chuỗi nhà thuốc Long Châu, với mục tiêu gia nhập ngành bán lẻ dược phẩm để làm động lực tăng trưởng dài hạn. Thứ nhất, ngành dược phẩm là một ngành hàng thiết yếu không chịu biến động của chu kỳ kinh tế, giúp FRT đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng hợp nhất.
Ngành này tăng trưởng bền vững 8-10%/năm nhờ mức tiêu thụ thuốc/đầu người của Việt Nam chỉ mới bằng 2/3 khu vực (xấp xỉ 35 USD/năm). Thứ hai, ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam có quy mô lớn (5 tỷ USD), phân mảnh và chưa có đối thủ nào đủ lớn để thống nhất được thị trường.
Hơn nữa, theo thống kê của Bộ Y tế, có đến hơn 57.000 quầy thuốc nhỏ lẻ đang hoạt động tại từng địa phương. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển kiểm soát ngành dược phẩm chặt chẽ như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, chỉ có 4-5 nhà bán lẻ uy tín chiếm phần lớn thị phần. Đó là xu hướng tất yếu cho Việt Nam và là cơ hội rất lớn cho những doanh nghiệp đi tiên phong như FRT.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, việc đầu tư vào mảng dược phẩm không thể mang lại hiệu quả tức thì cho FRT. Nguyên nhân do việc mở rộng quy mô khá khó khăn do thủ tục xin cấp phép mất thời gian và điều kiện dân cư ở mỗi vùng khác nhau.
Bên cạnh đó, chi phí bán bán hàng sẽ cao hơn mảng ICT do đặc thù ngành bán lẻ dược phẩm đòi hỏi nhiều nhân công, chi phí thuê dược sĩ và chi phí duy trì chuẩn GPP. Theo KIS, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho FRT kể từ năm 2020, với điều kiện Ban lãnh đạo duy trì được hiệu quả kinh doanh khi nhân rộng mô hình này.
Như vậy, ngoài nguyên nhân chốt lời, việc quỹ đầu tư ngoại bán bớt CP FRT cũng có thể đến từ sự suy giảm kỳ vọng về đà tăng trưởng của FRT trong thời gian tới. Đầu tháng 5, CTCP Quản lý quỹ VinaCapital thông báo về việc thay đổi sở hữu tại FRT. Theo đó, các quỹ đầu tư này đã bán ra tổng cộng 420.000 CP FRT trong ngày 2-5, giảm mức sở hữu từ 9,18% vốn điều lệ xuống 8,13% vốn điều lệ (tương đương 3,2 triệu CP).
Trước đó, Quỹ VOF thuộc VinaCapital thông báo họ đã đầu tư khoảng 11 triệu USD (tương đương 250 tỷ đồng) vào FRT. Ở mức giá hiện tại, tổng giá trị FPT Retail mà VinaCapital đang năm giữ là gần 500 tỷ đồng. Như vậy, FRT mang lại mức lợi suất gần 100% cho VinaCapital chỉ sau hơn nửa năm nắm giữ. Hiện VinaCapital vẫn là nhóm cổ đông lớn thứ 3 của FPT Retail sau FPT và Dragon Capital (nắm 20%).