Kết thúc 2 ngày họp qua vừa qua tại Mexico City, các thành viên G20 kêu gọi châu Âu cần phải tăng cường các nỗ lực hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng trầm trọng.
![]() |
Các nước G20 cũng thảo luận những biện pháp để tăng nguồn quỹ bổ sung cho Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), giúp hỗ trợ cho các nước đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính.
Nhóm G20 đã nhất trí hối thúc châu Âu cần phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực, đồng thời tăng nguồn quỹ tài chính của IMF.
Phát biểu sau khi kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Tài chính Mexico Gerardo Rodriguez đồng thời là Chủ tịch G20, cho biết các cuộc đối thoại giữa các quan chức G20 trong 2 ngày qua là một điểm bắt đầu tốt nhưng hiện vẫn chưa có bất cứ điều gì cụ thể được thống nhất liên quan đến việc tăng nguồn quĩ bổ sung cho IMF.
Ông Rodriguez nói: “Sự đồng thuận là cần thiết trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn như hiện nay. Tuy nhiên, sự bất đồng đang ngày càng nổi lên giữa các nền kinh tế. Chúng ta cần phải nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng nguồn lực từ các nước châu Âu để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ cũng như để tăng tính hiệu quả trong các hoạt động của IMF. Chúng tôi đều thống nhất rằng hai cả hai vấn đề cần được tiến hành thảo luận song song trong các cuộc họp về EU và IMF”.
IMF cho biết tổ chức này cần 500 tỷ USD để cho các quốc gia thành viên vay trong trường hợp cần thiết và thêm 100 tỷ USD như là “nguồn vốn dự phòng”. Nhưng kế hoạch này đang phải đối mặt với nhưng rào cản lớn từ Mỹ và các nước phương Tây khác bao gồm Canada và Nhật Bản, những nước cho rằng châu Âu cần phải tự giúp mình đầu tiên.
Cuộc gặp của nhóm G20 diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu vẫn tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công đang có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn trong khi viễn cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục ảm đạm trong những năm tới.
Phó Giám đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, Manuel Ramos cho rằng tốc độ tăng trưởng toàn cầu vẫn rất chậm chạp trong nhiều năm tới nếu không có các chính sách cải cách cụ thể, toàn diện và sâu rộng.
“Hiện nay các cuộc thảo luận tập trung chủ yếu vào các vấn đề tài chính những nước phát triển đang phải đối mặt. Tuy nhiên các cuộc thảo luận này cũng cần có các hướng khác liên quan đến tính ổn định giá cả, hệ thống lãi xuất linh hoạt- những yếu tố quan trọng để cân bằng nền kinh tế - và hướng đến sự phát triển cân bằng của nền kinh tế toàn cầu” - ông Ramos nói.
Dự kiến các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 sẽ có cuộc họp vào cuối tháng 2 để tiếp tục thảo luận về hai vấn đề chính được đề cập trong hội nghị lần này. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn rất bi quan về việc có thể đạt được một thỏa thuận chi tiết về việc tăng nguồn lực của IMF do có nhiều khác biệt trong nội bộ các nước châu Âu cũng như các nước không thuộc châu Âu.