Hơn 90% người dân ủng hộ?
Theo UBND TP Hà Nội, trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế, đặt vị trí nhà ga ngầm C9, UBND TP Hà Nội nhận được ý kiến đề nghị nghiên cứu phương án bố trí ga tại các vị trí như: Tổng Công ty Điện lực, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Nhà hát lớn, hoặc bố trí tuyến đường sắt và ga chạy dọc đê sông Hồng. Trong khi đó, Bộ VH-TT-DL lại có ý kiến đề nghị tịnh tiến ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng.
Tiếp thu các ý kiến trên, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư rà soát từng phương án cụ thể. Kết quả cho thấy, các phương án này đều được đơn vị tư vấn nghiên cứu và đánh giá không khả thi vì ga ngầm C9 liên quan chặt chẽ với hướng tuyến hầm 2 đầu ga (C8, C10) và phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn chạy tàu.
Phối cảnh ga C9 được đặt ở khu vực hồ Hoàn Kiếm
Hơn nữa, các phương án trên còn khiến tuyến đường hầm phải xuyên qua các khu vực dân cư có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, đồng thời phải giải phóng mặt bằng nhiều nhà dân và cơ quan để xây dựng. UBND TP Hà Nội cũng khẳng định đây là phương án hiệu quả kinh tế cao nhất vì không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư và giảm thiểu rủi ro của việc chậm tiến độ triển khai dự án. Chi phí đầu tư xây dựng thấp nhất do tối ưu về hướng tuyến, ít rủi ro, phức tạp, phát sinh trong thi công.
Theo ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét 7 phương án khác nhau, sau đó mới lựa chọn phương án đặt ga C9 như hiện nay. Cùng với việc lấy ý kiến từ các bộ ngành chức năng và nhiều chuyên gia, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng tổ chức trưng bày phương án quy hoạch, thiết kế, xin ý kiến rộng rãi người dân với kết quả 90,3% ý kiến ủng hộ, đồng ý với quy hoạch.
Dù vậy, qua tìm hiểu, ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân ở khu vực Phố cổ Hà Nội, nhất là tại các phố: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Dầu, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền... đều cho rằng, TP Hà Nội và các cơ quan liên quan phải rất thận trọng khi quyết định đặt ga tàu điện ngầm C9, bởi lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, hồ Hoàn Kiếm và các di tích lịch sử xung quanh không chỉ là nơi rất linh thiêng của thủ đô mà là của cả quốc gia và dân tộc.
Còn nhiều băn khoăn, lo ngại
Dưới cái nhìn của một chuyên gia về kiến trúc và xây dựng, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, cho rằng, hướng tuyến của dự án đường sắt đô thị số 2 đã có nghiên cứu sâu của nhà chuyên môn, trong đó chỗ đặt nhà ga C9 đã được tính toán kỹ về nhiều mặt, cả kinh tế và kỹ thuật. Nghĩa là vị trí được đặt ga C9 phải có diện tích đủ lớn, phù hợp với kết nối các hướng tuyến.
“Về vấn đề ảnh hưởng đến các công trình di sản văn hóa, tôi cho rằng, nhà ga nằm ngầm dưới mặt đất, sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan...”, ông Trần Ngọc Chính chia sẻ và cho biết, không chỉ Hà Nội mà nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng đặt nhà ga có lối lên cạnh các điểm du lịch nổi tiếng, để tạo điều kiện cho du khách đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, ông Chính cũng nhấn mạnh, công nghệ thi công phải đảm bảo chất lượng công trình, không để xảy ra sụt lún, ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
Cũng ủng hộ phương án đặt nhà ga C9 như hiện nay song kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) lại có ý kiến: Nhà ga C9 có thiết kế 4 cửa lên nhằm điều tiết lưu lượng hành khách, tránh ùn tắc ở khu vực ngã tư là cần thiết. Nhưng đặc thù nhạy cảm của khu vực này, có thể không nhất thiết phải có lối lên phía sát hồ Hoàn Kiếm, gần Tháp Bút, chỉ cần 1 lối lên sau đền Bà Kiệu và 2 lối lên phía Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội là đủ.
“Vị trí nhà ga C9 theo tôi không bàn nữa vì đã được bàn nhiều. Đơn vị tư vấn Nhật Bản và các cơ quan chuyên môn đã tính kỹ hướng tuyến. Nếu thay đổi thì phải thay đổi cả dự án, sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Do đó, TP Hà Nội và Bộ VH-TT-DL cần làm việc với nhau, làm rõ ảnh hưởng đến các công trình di sản văn hóa và cân đối lại nhu cầu dự án để thiết kế cửa lên cho phù hợp”, kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng nói.
Trong khi đó, không bàn về vị trí đặt nhà ga C9, một cựu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả của dự án. Bởi theo thiết kế tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có công suất tới 60.000 người/giờ/2 chiều, nên nếu không khai thác hết công suất sẽ là sự lãng phí lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp khai thác hiệu quả với lượng hành khách lớn như vậy đổ về Hồ Hoàn Kiếm cũng rất khó bảo vệ được không gian văn hoá khu vực này.
Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Đến nay, dù chưa thể triển khai xây dựng nhưng tuyến đường sắt đô thị này đã điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên hơn 35.670 tỷ đồng. Dự án đã kéo dài 11 năm, chủ yếu do các vướng mắc liên quan đến quy hoạch của ga ngầm C9. |