Game online - Từ ghiền đến nghiện

(ĐTTCO) - Một chiếc điện thoại cảm ứng hay máy tính bảng tầm trung, có kết nối internet là người dùng thoải mái tải các ứng dụng game miễn phí.

Và cứ thế, game online vẫn có đất sống, liên tục để lại những hậu quả nghiêm trọng và đáng nói hơn, khi game online “tấn công” vào người trẻ ở đủ mọi lứa tuổi.

Muôn kiểu “chiến đấu” 

Từ những game mang tính thư giãn nhẹ nhàng như: nấu ăn, đào vàng, kim cương, trái cây,… đến hàng loạt những game mang tính bạo lực, đấu kiếm, đấu súng, xe tăng…, đều hút người chơi. Một số ít game có thu phí khi người dùng tải về điện thoại, máy tính, máy tính bảng nhưng phần nhiều vẫn là miễn phí.

Nhiều game cũng không hề cảnh báo bạo lực hay giới hạn độ tuổi, bất cứ ai cũng có thể tải về và tạo tài khoản theo hướng dẫn là có những “trận đấu” hàng giờ đồng hồ, nhập vai thành những siêu anh hùng, kiếm khách, chiến binh…

Game online “ăn sâu” vào nhiều lứa tuổi và ở khắp mọi nơi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Game online “ăn sâu” vào nhiều lứa tuổi và ở khắp mọi nơi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dù chỉ là những “trận đấu” online, nhưng từ âm thanh đến hình ảnh mô phỏng đều sinh động và chân thật. Âm thanh chát chúa, tiếng súng liên hồi hay tiếng kiếm chan chát, đối phương trúng đạn hay kiếm thì bê bết máu, chi chít vết thương… khiến người thắng cuộc càng thêm hưng phấn.

Những chiến tích mang về khi chiến thắng nào là thêm mạng sống; thêm súng đạn, xe tăng; hủy diệt toàn bộ vũ khí của đối phương; tích điểm để đổi lấy vũ khí, áo giáp… dần cuốn hút người chơi từ thư giãn, đến ghiền và tìm mọi cách để thắng cuộc.

Nếu chưa “lên tay” để có thể chiến thắng, chỉ cần bỏ vài chục đến vài trăm ngàn đồng để mua thẻ game nạp vào tài khoản của mình để tăng thêm mạng sống, mua thêm vũ khí, đồ bảo hộ… Bởi khi thắng cuộc, từ game có thể quy đổi thành tiền mặt, cứ thế mà thôi thúc người chơi phải “chiến đấu”, rồi từ ghiền đến nghiện lúc nào không hay.

Không ít phụ huynh hiện nay tìm cách để điện thoại, máy tính quản lý con thay cho mình, bởi trong thế giới công nghệ đó, trẻ tự do chơi game không quấy phá ba mẹ.

Có con học lớp 5, đi học là về nhà, không đòi ra ngoài chơi cũng ít xin tiền ăn vặt, chỉ cần có điện thoại và trong nhà luôn sẵn internet, chị Hồ Thị Hai (38 tuổi, ngụ quận 8) kể lại câu chuyện của con trai mình: “Mới đầu thấy con mình không đòi đi chơi, cũng không đòi mua sắm gì, vợ chồng tui cũng mừng, nhưng ai ngờ nó cứ ôm điện thoại suốt. Đi học về, cơm nước xong xuôi là ôm điện thoại tới đi ngủ. Ban đầu thấy con cầm chơi thì biết chơi game thôi, sau này nó vừa chơi vừa la hét đòi đánh đòi bắn, có bữa chơi thua thì quăng luôn điện thoại cho bõ tức. Tôi với ông xã mới tá hỏa, game gì bạo lực quá! Bây giờ, kiểm soát lại, tôi không cho chơi điện thoại tự do nữa, nhưng hôm qua đi khám mắt thì thằng nhỏ cũng cận luôn 2 độ, vì dùng điện thoại quá nhiều, suốt thời gian nghỉ dịch ở nhà ôm điện thoại cả ngày”.

Chơi ảo, quạu thật

Không chỉ học sinh, không ít bạn trẻ là sinh viên, đã đi làm cũng đắm chìm trong thế giới game online. Xóa hết tài khoản game, chuyển từ điện thoại cảm ứng sang điện thoại bàn phím và không dùng máy tính để bỏ dần việc chơi game, Nguyễn Tấn Toàn (24 tuổi, nhân viên kỹ thuật máy tính, ngụ quận 5), chia sẻ: “Hồi trước, tôi nghiện game, có bạn gái cũng vẫn còn mê game, mỗi lần đi ăn uống hay cà phê là hai đứa cãi nhau, vì nói chuyện vài câu tôi lại cắm cúi vào điện thoại chơi game. Bạn gái không thích nên góp ý, cứ vậy rồi hai đứa giận nhau, gây nhau rồi chia tay. Bây giờ, muốn bỏ cũng phải từ từ, tôi chỉ còn dùng máy tính khi làm việc, thời gian còn lại tập đọc sách hoặc làm việc nhà, cắt hết điện thoại, máy tính bảng để không chú ý đến game online nữa”.

Vừa học, vừa làm thêm nhưng lúc nào cũng phải mượn tiền bạn bè để chi tiêu khiến Vũ Huy Hoàng (22 tuổi, sinh viên đại học năm cuối, ngụ quận Bình Tân) luôn cảm thấy bực dọc với mọi chuyện.

Hoàng cho biết: “Tôi ở trọ chung với 3 đứa bạn, chia tiền ra mỗi đứa gánh một chút nên tiền nhà mỗi tháng không nhiều, nhưng tiền lương làm thêm không khi nào tôi thấy đủ. Vì có tiền là nghĩ đến chuyện đổi điện thoại hoặc máy tính cấu hình mạnh hơn để chơi game, mua thêm phụ kiện như chuột máy tính dành riêng cho game thủ, rồi nạp thẻ game sắm đồ cho nhân vật để lên level, chứ chơi mà không lên được thì bực bội lắm, cứ vậy nên bị hụt tiền hoài, dù vẫn đi làm thêm đều đều”.

Game online cũng chỉ là hình thức thư giãn, tuy nhiên cần một biện pháp quản lý và kiểm duyệt chặt chẽ hơn từ nhiều phía, để người trẻ không bị cuốn vào những game mang tính bạo lực hay game nhập vai. Nhìn vào vụ việc đáng tiếc vừa qua ở Nghệ An, liên quan đến game nhập vai, để định hướng con em mình một hướng giải trí đúng đắn là điều cần làm lúc này.

Các tin khác