Gần 32.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán

(ĐTTCO) - Dù nhận được lực đỡ từ loạt mã ngân hàng nhưng VN Index vẫn kết phiên 7-12 trong sắc đỏ giảm giá. Tuy nhiên, phiên điều chỉnh lại là động lực kéo dòng tiền trở lại.

Gần 32.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán

Phiên hôm nay, toàn sàn HoSE có hơn 1,33 tỷ CP được khớp lệnh thành công, tương đương giá trị giao dịch đạt 27.450 tỷ đồng. Tính trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 31.900 tỷ đồng (tương đương 1,32 tỷ USD). Đây là phiên giao dịch có thanh khoản tốt nhất tính từ tháng 9.

Quay lại diễn biến chính của thị trường, VN Index chỉ chớm xanh ở những phút đầu nhờ dư âm của phiên tăng điểm hôm qua. Tuy nhiên, chỉ số không thể giữ được sắc xanh khi nguồn cung giá thấp bất ngờ đẩy mạnh ở thời điểm trước 10 giờ.

Áp lực cung khiến cho chỉ số nhanh chóng quay đầu, có thời điểm chỉ số lùi về mốc 1.110 điểm. Đây là thời điểm dòng tiền đổ vào thị trường mạnh nhất. Dù không thể tạo nên bất ngờ nhưng dòng tiền mới này giúp cho VN Index thoát phiên giảm sâu.

Ấn tượng nhất trong phiên hôm nay đến từ nhóm ngân hàng khi một mình "cân" tất cả nhóm ngành còn lại. Theo thống kê, các mã ngân hàng tác động tích cực lên chỉ số là BID, VPB, TCB, CTG, STB, MBB, ACB, LPB, HDB, VIB, EIB.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, mã ngân hàng có vốn hóa lớn nhất là VCB cùng với loạt CP có vốn hóa lớn như GAS, VHM, GVR, NVL, BCM, SSI, PLX, VND, VGC, FPT, VCI… là nguyên nhân khiến cho VN Index không thể tạo nên bất ngờ.

Kết phiên hôm nay, VN Index giảm gần 5 điểm (0,44%) xuống còn 1.121,49 điểm. Toàn sàn HoSE có 289 mã giảm so với 205 mã tăng. Đặc biệt, số mã tăng trần và giảm sàn cân bằng với 4 mã trần (PTC, HQC, QCG, FDC) và 4 mã sàn (HU1, BTP, PJT, SFC).

Bảng điện VN30 cũng đóng cửa phiên hôm nay ở trạng thái khá cân bằng với 13 mã tăng so với 14 mã giảm và 3 mã đi ngang. Tuy nhiên, VN30 Index lại tăng hơn 2 điểm với thanh khoản đạt hơn 9.000 tỷ đồng.

Sau phiên hôm nay, NĐTNN tiếp nối dài chuỗi bán ròng trên sàn HoSE lên con số 7. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 815 tỷ đồng, trong đó nhóm CP bị bán mạnh nhất là VHM (210 tỷ đồng), MSN (102 tỷ đồng), STB (94 tỷ đồng), FUEVFVND (63 tỷ đồng). BCM (54 tỷ đồng), VNM (54 tỷ đồng).

Các tin khác