Ngoài ra, APCI 2018 cũng đề xuất những ưu tiên cải cách cho các vùng, địa phương phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế ở từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thúc đẩy xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, qua APCI đã cho thấy một thực tế nhức nhối về gánh nặng chi phí TTHC. Đặc biệt, với 64,1 triệu đồng cùng thời gian thực hiện trung bình gần 110 giờ, xây dựng là ngành có chi phí cao nhất trong 8 nhóm TTHC quan trọng. Cụ thể, với mỗi triệu đồng doanh nghiệp phải chi trả có đến 930.000 đồng là chi phí trực tiếp cần để hoàn thiện hồ sơ và 70.000 đồng là chi phí thời gian.
Cùng với nhóm xây dựng, 3 nhóm khác là thủ tục đất đai, đầu tư, môi trường có quan hệ mật thiết với nhau trong việc đầu tư xây dựng dự án có sử dụng đất của một doanh nghiệp cũng đứng ở nửa cuối của bảng xếp hạng APCI 2018.
Thực tế, ngay từ khi thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, đã có nhiều khuyến nghị cân nhắc kết nối những TTHC cần thiết trong 4 nhóm thủ tục này thành 1 chu trình thủ tục xuyên suốt giữa các cơ quan nhà nước thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất và xây dựng.
Tuy nhiên, cho đến nay, khuyến nghị này chưa được cân nhắc thể chế hóa. Khi các TTHC đứng riêng lẻ, doanh nghiệp có thể sẽ phải chuẩn bị những loại hồ sơ giấy tờ giống nhau cho từng cơ quan, cũng như phải mất thêm nhiều thời gian tìm hiểu về thứ tự thực hiện các TTHC, kết quả là làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách không cần thiết.
Cụ thể, APCI 2018 nêu chi phí trực tiếp nhóm thủ tục xây dựng cao vì phải thuê đơn vị tư vấn trong công tác chuẩn bị, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ, như thuê thiết kế, tư vấn thủ tục xin ý kiến cơ quan phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, lệ phí thẩm định hồ sơ...
Những chi phí này tỷ lệ thuận với độ khó, quy mô, tổng mức đầu tư của dự án xây dựng. Nhiều trường hợp chi phí trực tiếp lên đến hàng tỷ đồng; có địa phương chỉ mất 440.000 đồng nhưng một số nơi là 255 triệu đồng. Chi phí cao còn do yêu cầu pháp luật về quy hoạch tại các địa phương, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng không rõ ràng, thống nhất và phụ thuộc nhiều vào công tác thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước. Dẫn đến doanh nghiệp tốn nhiều tiền cho việc chuẩn bị, chỉnh sửa hồ sơ.
Dù chưa thể tròn trịa, chưa lượng hóa được thời gian, chi phí chính thức thế nào, song kết quả trong báo cáo là những dữ liệu thực tế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm TTHC và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo. Qua đó, giúp các cơ quan quản lý tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát TTHC, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý.
Bởi hiện nay chi phí về thời gian, chi phí bằng tiền của, chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp thông qua phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp còn rất cao. Nếu chúng ta cắt giảm được thời gian của doanh nghiệp, chi phí chính thức và không chính thức chắc chắn việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi.
Cần phải xem việc cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp là cải cách, để từ đó cần quyết liệt trong triển khai thực hiện. Bởi nếu không quyết liệt, không đồng bộ, không áp từ trên xuống không ai muốn cải cách. Nếu chúng ta làm tốt, công khai tốt, chi phí thời gian, tiền “lót tay” chắc chắn sẽ giảm vì công khai được, giám sát được.