Gặp lại cặp vợ chồng giữ tục ăn đất cổ xưa

Vợ chồng cụ Khổng Văn Loa và Khổng Thị Biện sống tại thị trấn Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là những người duy nhất còn giữ lại tục ăn đất ngói đã tồn tại từ xa xưa.

Vợ chồng cụ Khổng Văn Loa và Khổng Thị Biện sống tại thị trấn Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là những người duy nhất còn giữ lại tục ăn đất ngói đã tồn tại từ xa xưa.

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ với nếp nhà tranh, vách đất giản dị gợi nhiều hoài niệm về một cuộc sống từ rất xa xưa. Nói về tục ăn đất ngói, cụ Loa cho biết: “Từ khi tôi còn nhỏ, nghe cha mẹ mình kể lại thì tục này đã có từ vài đời trước”.

Mặc dù cả hai cụ năm nay đều đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Cụ Biện chia sẻ: “Bây giờ không mấy ai ăn đất nữa, chỉ còn mỗi hai vợ chồng tôi. Ngày nào cũng phải nhấm nháp một tí đất mới hết cơn thèm”.

“Ngày xưa nhiều người nghiện món này lắm, nhất là bà bầu khi nghén ăn món này cứ như phải lòng ấy”. Theo cụ Biện, loại đất ngói ăn được này rất tốt cho phụ nữ mang thai vì đất này chứa nhiều canxi lại mát cho cơ thể.

Cụ Biện kể vài năm trước cụ vẫn mang món đất ngói ra chợ bán, nhiều người còn đến tận nhà để mua về ăn hoặc làm quà. Hồi đó không có kẹo bánh nhiều, người lớn mỗi lần đi chợ lại mua một ít cho trẻ con làm quà. 

Cụ Biện đưa chúng tôi ra thăm đồi Vàng nhà cụ nơi có nhiều đất ngói ăn được này. Chỉ vào một chiếc hố, cụ Biện nói: “Chiếc hố này sâu lắm 5-7 m, trước đây nhà tôi đào lên để lấy đất ngói. Sợ vật nuôi rơi xuống dưới nên tôi phải lấp lại bớt”. 

 
 
 

Theo Cụ Biện để lấy được đất ngói phải đào xuống sâu, lật hết lớp đất màu vàng bên trên mới đến lớp đất ngói này. Trước khi ra về cụ Biện không quên hái vài cành lá sim mang về.

Theo cụ Biện, đất ngói sau khi đã được đào lên sẽ được đem phơi khô, rồi chẻ thành từng miếng nhỏ theo thớ đất, cạo hết lớp ken đất bên ngoài sẽ còn lại miếng đất trắng tinh như thạch cao.

Để làm miếng đất có mùi thơm, miếng đất sẽ được đốt rơm hun cùng với lá sim cho khói quyện vào miếng đất. 

Sau khoảng 10 phút, miếng đất được hun sẽ ngả sang màu vàng và có mùi thơm của lá sim quyện vào.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Đức Lộc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch, cho biết:  Tục ăn đất ngói có nhiều từ những năm 1970 trở về trước, đất giống dạng đất cao lanh non. “Hồi nhỏ tôi vẫn thấy các bà, các mẹ mang thai thèm ăn đất này nhưng giờ không thấy ai ăn nữa” - ông Lộc nói.  Ông Lộc cho hay chỉ có duy nhất Đồi Vàng nhà cụ Biện có loại đất có thể ăn được này. Cũng theo ông Lộc, việc người dân cho rằng ăn đất này mát, tốt cho thai nhi chỉ là truyền miệng, trên thực tế chưa có nhà khoa học nào chứng minh điều này.

Các tin khác