Đủ sống kiểu... người trẻ
Ra đường, nhiều người trẻ lướt qua và dễ dàng định giá những món đồ hiệu có trên người nhau, bởi vì họ có “đẳng cấp” và có cùng mối quan tâm. Nhưng sẽ không mấy ai quan tâm rằng, thu nhập của họ có thực sự đủ sở hữu được những món đồ đó? Bởi vì, quan niệm và chuẩn mực của họ rất khác, có yêu cầu rất cao đối với đời sống vật chất.
M.C., một nhân viên ngân hàng đi làm được 2 năm với mức thu nhập chưa đến 20 triệu đồng/tháng, nhưng thường chọn thời trang nước ngoài có thương hiệu, hoặc nếu là trong nước thì phải là hàng thiết kế. Mỹ phẩm, nước hoa đã dùng phải là hàng ngoại chính hãng mua tại các trung tâm thương mại lớn. M.C. còn thường xuyên đi ăn nhà hàng sang trọng, chỉ uống trà sữa của nhãn hiệu xịn và di chuyển bằng xe Vespa, nếu phải đi công tác thì sẽ chọn xe hơi công nghệ…
Đồng nghiệp của M.C. kể, M.C. không giấu “cứu tinh” của mình là 3 chiếc thẻ tín dụng, trong đó có 1 chiếc thẻ của chính ngân hàng bạn đang làm với hạn mức kha khá, cứ mua sắm trước, mọi việc đợi đến sau sao kê. M.C. quan niệm, thanh xuân chỉ đến 1 lần và biết thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất vào thời điểm phù hợp nhất, tuyệt đối không để mình lệ thuộc vào công việc hay đồng tiền.
Nhiều bạn trẻ mang theo tinh thần “bạn chỉ có một lần để sống” (You only live once) trong hành trang tuổi trẻ của mình, bao gồm cả việc chi tiêu phục vụ đời sống vật chất. Khái niệm “đủ sống” của họ không chỉ là đảm bảo những điều kiện cơ bản, mà phải thể hiện được “giá trị” của bản thân.
Thật khó để đưa ra mức tương quan giữa thu nhập và chuẩn chi tiêu cho giới trẻ ngày nay. Khi nhiều người trong số đó được thụ hưởng điều kiện kinh tế khá giả, các bạn trở thành người có tầm ảnh hưởng, thậm chí trở thành hình mẫu chuẩn mực định hướng chi tiêu cho nhiều bạn trẻ khác, bắt đầu từ mạng xã hội rồi ra đến đời thực.
Chúng ta sẽ không khó bắt gặp nhiều bạn đang là học sinh, sinh viên chưa làm ra tiền nhưng có thể sở hữu hàng chục đôi giày hiệu, áo khoác cũng phải là mẫu của những nhà mốt đang thịnh hành nhất trên TikTok hay Instagram, dù không có món nào rẻ hơn số tiền mà các bạn có thể kiếm được ở tầm tuổi đó.
Đẳng cấp và đua đòi
Mỗi người đều có nhu cầu chi tiêu cá nhân, chỉ cần bạn thấy xứng đáng thì nó hợp lý - nhiều bạn trẻ đã nghĩ như vậy và hành động thậm chí còn vung tay phóng khoáng hơn thế nữa. Tất cả sắm sửa và trang bị cho đời sống vật chất chắc chắn phải được mua bằng tiền. Nếu thu nhập cá nhân không đủ, xin cha mẹ; cha mẹ không cho, còn có các khoản vay tiêu dùng; ngoài các ngân hàng còn có người yêu, người đang theo đuổi…
Thời đại cởi mở, tiện ích (phương tiện) đa dạng, bằng nhiều cách, từ nhiều nguồn, người trẻ dễ dàng linh hoạt lựa chọn để phục vụ cho nhu cầu định vị giá trị bản thân bằng vật chất.
Th.H. 26 tuổi, thẳng thắn: “Người yêu em đầu tư cho em”. H. là con trong một gia đình cơ bản nên chọn bạn trai khá giả, có điều kiện. Bởi vì H. biết mình thích xài đồ đẹp, có thương hiệu, thích những món ăn chất lượng và dĩ nhiên giá không rẻ… Những nhu cầu đó theo H. là bình thường và việc bạn trai chăm lo cho bạn gái và sau này có thể trở thành vợ, càng là chuyện chính đáng.
Nếu như thụ hưởng tương xứng điều kiện là một loại đẳng cấp tự nhiên thì nhu cầu hưởng thụ vượt khả năng lại là một kiểu học đòi phù phiếm. Ranh giới để minh định giữa đẳng cấp hay đua đòi thật ra rất rõ ràng, nó là khả năng kiếm tiền của bạn và tiềm lực tài chính của gia đình bạn, thế thôi.
Nếu bạn biết rằng, những kênh mạng xã hội thu hút giới trẻ nhất thường là “đập hộp” những món hàng hiệu đắt tiền thì sẽ không phải thảng thốt khi biết con em mình chọn giá trị vật chất để khẳng định giá trị bản thân. Giá trị vật chất trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi được phủ lên người đã giúp nhiều bạn trẻ tự tin hơn trước cộng đồng.
Không thể phủ nhận, mạng xã hội đang chi phối chuẩn mực của con người thời đại, trong đó có giới trẻ. Lúc nào họ cũng như đang biểu diễn; ăn gì, mua gì, mặc gì cũng phải chụp ảnh đưa lên để cả thế giới biết, bình phẩm, thán phục và thả tim… Sự công nhận ngày nay đôi khi chỉ là như thế.