(ĐTTCO) - Nhà đầu tư tỷ phú George Soros (ảnh) vừa đưa ra nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với kịch bản “hạ cánh cứng” – điều sẽ làm gia tăng áp lực giảm phát đối với kinh tế toàn cầu.
Hôm qua (21/1), trong một buổi phỏng vấn với phóng viên Francine Lacqua của truyền hình Bloomberg bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra tại Davos, nhà đầu tư George Soros cho rằng “một cú hạ cánh cứng [đối với kinh tế Trung Quốc] là điều khó có thể tránh khỏi. Thậm chí Soros nói rằng ông đang quan sát sự kiện này chứ không phải đang dự đoán về nó.
Theo Soros, mặc dù Trung Quốc có những nguồn lực để có thể kiểm soát tốt tình hình, sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Do đó ông dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ tiếp tục sụt giảm và thời điểm này vẫn còn là quá sớm để mua cổ phiếu. Cũng trong tuần này, một số nhà đầu tư nổi tiếng khác cũng đã cảnh báo rằng thị trường vẫn chưa chạm đáy.
George Soros cũng chia sẻ cuối năm ngoái ông đã mua trái phiếu Kho bạc Mỹ, bán những tài sản có liên quan đến các nước sản xuất hàng hóa và đặt cược rằng các đồng tiền châu Á sẽ giảm giá so với USD.
“Vấn đề chủ chốt hiện nay là giảm phát, đó là một môi trường mà chúng ta vẫn chưa thể làm quen”, Soros nói, đưa ra những yếu tố làm tăng áp lực giảm phát là giá dầu giảm và nguy cơ chiến tranh tiền tệ.
Những nhà quản lý quỹ như Scott Minerd của Guggenheim Partners và Jeffrey Gundlach của DoubleLine Capital cũng đã cảnh báo rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm mạnh trong thời gian tới. Theo CIO Minerd của Guggenheim Partners, chỉ số S&P 500 có thể giảm xuống mức 1.650 điểm (đóng cửa phiên hôm qua chỉ số này ở mức 1.868 điểm) và giá dầu chỉ còn 20 USD/thùng do nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường và tìm tới những tài sản an toàn.
Trong khi đó Jeffrey Gundlach - người đồng sáng lập của quỹ DoubleLine - nhận định chỉ số S&P 500 sẽ kéo dài đà giảm điểm. “Nhà đầu tư nên tận dụng những phiên tăng điểm chớp nhoáng để bán ra”.
Thị trường đang tỏ ra hoài nghi về triển vọng lạm phát trong bối cảnh giá dầu đã mất khoảng 20% chỉ trong chưa đẩy 1 tháng và kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu giảm tốc. Rất có thể Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thể đạt được mục tiêu lạm phát 2% và do đó khó có thể tuân theo lộ trình nâng lãi suất đã đề ra.
Nhận định về vấn đề này, Soros cho biết ông sẽ rất ngạc nhiên nếu như Fed nâng lãi suất 1 lần nữa sau động thái hồi tháng 12/2015. Thậm chí Fed còn đang đứng trước nguy cơ phải cắt giảm lãi suất, nhưng kể cả như vậy hiệu quả trong việc kích thích kinh tế sẽ không được như mong đợi.
Theo ông, Fed đã mắc sai lầm khi chờ đợi quá lâu và đã bỏ lỡ cơ hội. Khi Fed thay đổi lãi suất, giảm phát đã hình thành và người tiêu dùng không muốn chi tiêu vì họ hi vọng rằng có thể mua hàng hóa với giá rẻ hơn trong tương lai.
“2016 sẽ là một năm đầy khó khăn”, ông nói.
* “Hạ cánh cứng” là thuật ngữ phản ánh tình huống xảy ra khi nền kinh tế một nước nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái.