Giá cả sẽ "nhích" lên trong tháng 8

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo giá cả thị trường tháng 8 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng 7-2012.

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo giá cả thị trường tháng 8 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng 7-2012.

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 7-2012 giảm 0,29% so với tháng 6-2012. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm chỉ số giá giảm so với tháng trước. Trong đó, đáng chú ý có 4/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, trong tháng 8-2012, mặt bằng giá thị trường chịu tác động bởi nhiều yếu tố như giá một số nguyên vật liệu trên thị trường thế giới dự báo có xu hướng tăng (xăng dầu, LPG, đường, thức ăn chăn nuôi...) gây sức ép tăng giá hàng hoá trong nước.

Cùng với bước vào mùa khai giảng năm học mới 2012-2013, nhu cầu mua sắm tăng cao, thì việc giá một số mặt hàng được điều chỉnh tăng như: giá điện bình quân tăng 5% từ ngày 1-7-2012, giá xăng dầu tăng 300- 400 đồng/lít, kg từ ngày 20-7-2012 và tăng từ 350-900 đồng/lít, kg từ 1-8-2012; giá nước sạch, giá dịch vụ khám chữa bệnh có thể được điều chỉnh tăng tại một số địa phương, giá LPG tăng... tác động đến chỉ số giá nhóm Giao thông, nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng và giá một số hàng hoá, dịch vụ khác.

Giá một số mặt hàng có khả năng giảm hoặc đứng như: Giá lúa, gạo giảm hoặc đứng so hiện nay do lượng cung tăng trong khi nhu cầu gạo không cao. Giá thực phẩm tươi sống, sữa, phân bón, xi măng, thép... dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm.

Cụ thể, giá một số mặt hàng có xu hướng ổn định hoặc giảm so với tháng trước đó là lúa gạo, thực phẩm tươi sống, phân bón.

Trong tháng 7, giá lúa gạo trên thị trường thế giới được chào bán nhìn chung giảm so với tháng 6-2012. Trong khi thị trường xuất khẩu gạo Châu Á tiếp tục trầm lắng do nhu cầu yếu và lượng tồn kho đang ở mức cao (Ấn Độ hơn 30 triệu tấn, Thái Lan hơn 8 triệu tấn, Việt Nam gần 2 triệu tấn) đã tác động làm giá gạo thế giới và giá lúa gạo trong nước giảm trong tháng.

Giá một số loại thực phẩm tươi sống, phân bón, thép xây dựng giảm nguyên nhân do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua giảm.

Diễn biến trái chiều được dự báo là các mặt hàng đường, thức ăn chăn nuôi. Một số mặt hàng thị trường ổn định như sữa, xi măng, xăng dầu.

Giá đường thế giới dự báo cũng tăng nhẹ do nhu cầu mua tăng trở lại của các nhà đầu tư trước dự báo về nguồn cung giảm từ các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Brazil và Australia do ảnh hưởng của thời tiết xấu. Theo dự báo của Hiệp hội mía đường Ấn Độ (ISMD) sản luợng trong nước này vụ 2012-2013 ước đạt khoảng 25 triêụ tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với vụ 2011/2012 (26 triệu tấn).

Trong khi đó, nguồn cung trong nước dự báo vẫn dồi dào. Tuy nhiên, do hiện nay đã vào cuối vụ sản xuất và chuẩn bị đến Tết Trung thu, trong khi giá đường thế giới đang tăng nhẹ trở lại, dự báo giá đường trong nước trong tháng 8 tăng nhẹ.

Giá thức ăn chăn nuôi trong nước tháng 7 ổn định do sức tiêu thụ chậm, người chăn nuôi không có vốn để tái đàn và giá gia súc gia cầm liên tục giảm. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao nên một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng giá khiến giá mặt hàng này có xu hướng tăng.

Giá xăng dầu, khí hóa lỏng trên thế giới tăng liên tục trong thời gian qua, nhưng được dự báo trong ngắn hạn, thị trường thế giới không biến động lớn so với hiện tại.

Trong tháng 7, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh toán bằng nguồn NSNN.

Tại các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, có 19/63 tỉnh, thành phố ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn; 53/63 tỉnh thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của Pháp luật về giá, thuế, phí.

Các tin khác