Già làng K'Văn Blar - Vị thủ lĩnh của đồng bào K'Ho

Già làng K'Văn Blar - Vị thủ lĩnh của đồng bào K'Ho

Một ngày cuối tháng 10-2023, có mặt tại huyện miền núi Hàm Thuận Bắc, theo lời giới thiệu của bà con đồng bào xã Đông Tiến, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông K’Văn Blar - người được bà con coi như vị “thủ lĩnh” của người K’Ho nơi đây.

Mặc dù đã trải qua 70 mùa rẫy nhưng sự minh mẫn, lòng nhiệt huyết vẫn hiện rõ trong ánh mắt của người già làng đã dành cả cuộc đời cho việc chung của ngôi làng Đông Tiến nằm hiền hòa bên dòng sông Do, bao bọc giữa bốn bề núi rừng.

Vẻ mặt trầm ngâm, già làng K’Văn Blar bắt đầu câu chuyện về những ký ức cách đây hàng chục năm. Đông Tiến là xã vùng cao thuần đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho. Sau ngày giải phóng, xã chỉ có vọn vẹn khoảng 30 hộ dân, đời sống cực kỳ khó khăn, sản xuất lạc hậu, trẻ em thất học, đồng bào sống du canh du cư, nên cái đói, cái nghèo liên tục đeo bám bà con.

Sự đổi thay ở xã vùng cao này thực sự bắt đầu từ năm 1997 khi Nhà nước đầu tư xây dựng đập Suối Tỵ lấy nước từ dòng sông Do. Có thủy lợi, cán bộ khuyến nông của tỉnh đến hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, chuyển từ trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước và trồng thêm bắp, đậu, mè để tăng năng suất, nhưng bà con chưa tin lắm. Thấy vậy, già làng K’Văn Blar lập tức họp người dân. Già nói: “Bây giờ Nhà nước đã đưa nước về làng, bà con không được đi phá rừng nữa, mà nên ra đồng, lên nương trồng lúa, trồng bắp đi. Chúng ta phải giữ rừng lại cho con cháu sau này”.

Thấy bà con còn đắn đo, già K’Văn Blar xung phong làm trước. Được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, già liền cải tạo những rẫy đất bỏ hoang trước đây để gieo sạ lúa. 3 tháng sau, gia đình già thu hoạch được hơn 10 tấn lúa, tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa rẫy trước đây. Thấy già làm hiệu quả, bà con lập tức làm theo.

Bây giờ, đồng bào xã Đông Tiến không còn phải đi xa, leo núi, phá rừng tìm những láng đất màu mỡ để sản xuất nữa, tới vụ là đồng bào tập trung ra đồng làm đất gieo cây lúa nước, lên nương trồng đậu, bắp, không khí rất rộn ràng.

Chưa dừng lại ở đó, ngay khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận về việc hỗ trợ cấp đất sản xuất, vay vốn chăn nuôi,… để tạo sinh kế ổn định cho đồng bào, già K’Văn Blar lập tức kêu gọi bà con mạnh dạn tham gia để thoát nghèo. Sau khoảng hai tháng kiên trì vận động, bà con tin già, tin chính sách của Nhà nước nên bắt đầu vay vốn đầu tư chuồng trại, mua bò, dê về chăn nuôi. Được nhà nước trợ giá, hỗ trợ vật tư, đàn gia súc trong xã liên tục tăng nhanh, đến nay đã lên đến hàng ngàn con.

Nói về già làng K’Văn Blar, ông K’Văn Góa, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến khẳng định già là người uy tín trong cộng đồng dân cư, có rất nhiều nỗ lực trong việc vận động bà con làm kinh tế để thoát nghèo.

Minh chứng cho điều này, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến thông tin, nhờ phát triển cây lúa nước và các loại cây trồng khác, từ chỗ thiếu đói, năm 1998 đồng bào đã phát triển gần 700ha diện tích đất nông nghiệp, tự chủ được nguồn lương thực tại chỗ, vươn lên thoát nghèo. Kể từ năm 2000 đến nay, xã Đông Tiến không còn nhận trợ cấp của cấp trên. Đặc biệt, nhờ sự tuyên truyền của già, bà con nơi đây không còn đi phá rừng, mà cùng chung tay gìn giữ.

Không chỉ giỏi trong việc vận động bà con làm kinh tế, không được phá rừng làm rẫy, già làng K’Văn Blar còn được bà con nơi đây ví như một “bậc thầy” trong công tác dân vận, hòa giải. Từ chuyện vợ chồng mâu thuẫn, xích mích xóm làng, con bò đi phá rẫy, vi phạm thuần phong mỹ tục đến việc vận động bà con hiến đất mở đường,… khi đến tay già mọi chuyện đều êm thấm, tốt đẹp.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại chuyện buồn cũ, anh K.V.G. vẫn không quên công ơn của già làng. “Lúc bấy giờ mình uống rượu nhiều nên sinh ra nhiều tật xấu. Xấu hổ nhất là mình đã có vợ nhưng lại có mối quan hệ bất chính với người chị họ”, anh G. thẹn thùng nhớ lại.

“Biết tin thằng G. nó làm bậy, tôi liền qua nhà để nói chuyện. Tôi chỉ nói là mày làm như vậy có giống ai không? Có cảm thấy xấu hổ không? Rồi con cái mày nhìn vào sẽ như thế nào? Nói chuyện với nó hơn một giờ thì G. hiểu ra và hứa sẽ chấm dứt mối quan hệ vi phạm đạo đức này, đồng thời hứa sẽ bỏ rượu rồi chăm lo cho vợ con. Bây giờ nó thay đổi rồi, chăm lo làm ăn, yêu thương vợ con lắm!”, già K’Văn Blar nói.

Bằng uy tín của mình, nhiều năm qua, vị già làng này không thể nhớ hết những lần tham gia các vụ hòa giải trong xã. Chỉ biết, cứ mỗi lần bà con xảy ra chuyện thì lại tìm đến già để xin lời khuyên. Đối với những vụ việc vợ chồng xích mích, muốn bỏ nhau thì già phân tích, sống một vợ, một chồng là hạnh phúc nhất, chứ đừng theo kiểu “sáng thương, chiều bỏ”; với các vụ ghen tuông, già nói phải có bằng chứng, chứ đừng ghen linh tinh rồi ảnh hướng đến hạnh phúc gia đình... Nghe già nói hợp tình, hợp lý nên hầu hết các vụ việc mâu thuẫn đều được giải quyết êm đẹp, hiếm khi phải nhờ đến chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND xã Đông Tiến K’Văn Góa cho biết, từ khâu vận động quần chúng làm kinh tế, đến việc tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, xóm làng, già đều làm rất tốt, trở thành điểm tựa của buôn làng. Đặc biệt, đối với những vụ việc cần sự đồng thuận của người dân như hiến đất làm đường, bằng sự vận động của già, bà con đều nhanh chóng hiểu ra lợi ích và làm theo.

Hiện nay dù tuổi đã cao nhưng già K’Văn Blar vẫn tham gia làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, là tấm gương sáng của buôn làng.

Các tin khác