Gia tăng thị phần, giảm thiểu rủi ro

Giá thép biến động khó lường đang là một trong những rủi ro lớn nhất mà các công ty trong ngành thép phải đối mặt. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Giá thép biến động khó lường đang là một trong những rủi ro lớn nhất mà các công ty trong ngành thép phải đối mặt. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên: - Ông có thể lấy đơn cử hoạt động kinh doanh của SMC chịu ảnh hưởng như thế nào từ những biến động của giá thép?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: - Giá thép giảm mạnh trong quý II-2013 từ 600USD/tấn xuống còn 500USD/tấn đã khiến SMC có quý đầu tiên thua lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, đồng thời tạo ra một lượng hàng tồn kho giá cao và phải đến đầu năm 2014 chúng tôi mới xử lý xong.

Đó cũng là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận quý I-2014 của SMC bị chùng xuống. Không phải chịu gánh nặng hàng tồn kho giá cao đồng thời giá thép diễn biến thuận lợi đã giúp cho lợi nhuận quý II và III-2014 khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, việc giá dầu giảm mạnh trong quý IV-2014 đã tác động mạnh đến giá thép, do đó lợi nhuận của SMC trong quý này cũng bị ảnh hưởng dẫn đến việc không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cho cả năm 2014.

Khi giá thép xuống, thường lượng mua vào cũng hạn chế hơn nên cùng lúc doanh nghiệp phân phối sẽ phải đối mặt với sức ép giảm giá và sức ép từ lượng hàng tồn kho gia tăng. Một điều cũng cực kỳ quan trọng là kể từ khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, cho đến khi hàng về đến nơi thường mất từ 2-3 tháng, đây là một khoảng thời gian dài và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

- Năm 2008, giá thép thậm chí đã giảm đến 2/3 nhưng SMC vẫn lãi đến hơn 72 tỷ đồng, trong khi giá thép những năm qua dù có giảm nhưng không mạnh như năm 2008, tại sao lợi nhuận của công ty lại giảm mạnh?

- Năm 2008, tổng sản lượng thép tiêu thụ của SMC đạt 300.000 tấn, trong khi năm 2014 chúng tôi cung ứng cho thị trường 868.000 tấn thép, sự khác biệt nằm ở thị phần. Thị phần tăng chứng tỏ vị thế của SMC trên thương trường tiếp tục được củng cố trong mắt khách hàng cũng như các nhà sản xuất nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức cực lớn.

Năm 2008, dù giá thép giảm rất mạnh, nhưng quy mô lúc đó của SMC chưa lớn như bây giờ nên khả năng điều tiết hàng hóa của SMC rất nhanh chóng, chỉ mất khoảng 2,5 tháng là có thể xử lý xong lượng hàng tồn kho giá cao. Trong khi hiện nay, mỗi tháng SMC tiêu thụ 80.000 tấn thép, dòng hàng hóa luân chuyển cực lớn nên việc điều tiết trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, để phân tán rủi ro trong những năm qua, khi nhập hàng SMC cố gắng chia nhỏ các lô hàng thành 2.000-3.000 tấn/lô,  nhưng nếu phải nhập nhiều lô cùng lúc cũng khó lòng tối ưu giải pháp này.

Năm 2008, SMC mới hoàn thành nhà máy gia công chế biến thép (coil center) đầu tiên, còn bây giờ công ty có cả hệ thống 4 coil center vận hành liên tục. Nghĩa là hàng hóa, nguyên liệu cũng nhập về liên tục chứ không có chuyện giá tăng thì hoạt động còn giá giảm nghỉ không sản xuất, kinh doanh.

Trong việc mua vào hàng hóa, có những lô hàng thép secondary SMC phải mua nguyên lô từ 12.000-20.000 tấn từ các nhà sản xuất chứ không thể chọn lựa khối lượng. Với các nhà sản xuất, SMC cũng luôn đảm bảo uy tín của mình trong việc mua hàng, nghĩa là dù giá có giảm vẫn thực hiện nghiêm túc hợp đồng, cho đến khi đạt khoảng 80-90% thì 2 bên mới ngồi lại cùng nhau bàn bạc để chia sẻ những rủi ro.

Ngoài ra, khách hàng của SMC có những tập đoàn sản xuất lớn, họ đưa ra những yêu cầu cực kỳ khắt khe cho các coil center trong việc giao hàng phải đúng quy cách, đúng tiến độ nên dù giá thép có giảm hay tăng SMC vẫn phải luôn đảm bảo cam kết, uy tín của mình.

Gia tăng thị phần giảm thiểu được rủi ro. Ảnh: LONG THANH

Gia tăng thị phần giảm thiểu được rủi ro. Ảnh: LONG THANH

- Khi không thể điều tiết hàng hóa linh hoạt như trước, SMC đã chuẩn bị những phương án nào để tránh những rủi ro từ biến động giá thép?

- Cần phải khẳng định cho dù doanh nghiệp nào hoạt động có tính ổn định và liên tục cũng không thể tránh được những rủi ro từ biến động giá thép, vấn đề là đối mặt và xử lý như thế nào. Thậm chí, việc thua lỗ cũng khó tránh khỏi mà phải biết chấp nhận và chờ đợi cơ hội để bù đắp trở lại. Chẳng hạn, khi mua phải những lô hàng giá cao, SMC sẽ có 2 lựa chọn, nếu bán ra được và ít tổn hại nhất sẽ tiến hành, nếu không sẽ chấp nhận giữ lại và chờ cơ hội cân đối với các lô hàng giá thấp.

Chúng tôi không chủ trương bán phá giá, dưới giá vì điều đó ảnh hưởng đến thị trường cũng như ảnh hưởng đến nguồn lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải liên tục củng cố, cập nhật hệ thống thông tin về giá thép, liên quan đến đầu vào, đầu ra.

Quan trọng nhất vẫn là thị phần. Mua vào một lô hàng lớn, nếu giá lên có thể lãi rất lớn, nhưng nếu giá xuống, không có thị phần sẽ lỗ rất nặng. Nhờ vào việc mở rộng thị phần sang mảng thép tấm lá, SMC đã hạn chế được ảnh hưởng từ thép xây dựng.

Gần đây, SMC tiếp tục mở rộng thị phần trong hoạt động gia công chế biến thép tấm lá thông qua các sản phẩm có độ tinh xảo cao hơn và đem lại nhiều giá trị gia tăng hơn. Chẳng hạn như trong nửa cuối năm 2014, chúng tôi đã nhập về dàn máy cán thép lá, phục vụ trong ngành xây dựng, trang trí nội thất.

Năm 2015, dự kiến SMC sẽ trình đại hội cổ đông về dự án đầu tư nhà máy sản xuất ống thép liên doanh với đối tác nước ngoài. Dự án này nếu được chấp thuận và đi vào hoạt động sẽ là sự khẳng định cho chiến lược gia công, chế biến sâu của SMC đồng thời là sự nối tiếp, phát huy thành công của hệ thống coil center mà SMC đã đầu tư xây dựng trong những năm qua.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác