Cụ thể, xăng RON 92 có mức giá bán là 148,53 USD/thùng, RON 95 ở mức 155,79 USD/thùng. Trong khi bình quân giá xăng kỳ điều hành trước là 149,59 USD/thùng đối với xăng RON 92 và 156,21 USD/thùng đối với xăng RON 95.
Với mức giá trên của thị trường Singapore, cùng với việc Liên bộ Công Thương - Tài chính nếu giảm trích lập và tăng chi đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), giá các mặt hàng xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ khoảng 150-300 đồng/lít và dầu diesel giảm khoảng 200-260 đồng/lít sau khi điều chỉnh vào ngày mai. Đây cũng là lần giảm đầu tiên sau khi giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đã có tới 7 lần tăng giá liên tiếp trong một thời gian ngắn.
Chỉ trong 2 tháng trở lại đây, mặt hàng xăng dầu có tới 5 lần "lập đỉnh" giá liên tiếp.
Song cũng có ý kiến cho rằng, ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá mặt hàng này sẽ giảm ít hơn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi dư địa Quỹ BOG được cho là không còn nhiều, doanh nghiệp đầu mối lớn đang âm quỹ và 7 kỳ điều chỉnh tăng liên tục vừa qua Quỹ BOG đã liên tục chi (từ 100-1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.
Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước tăng tổng cộng 13 lần, giảm 3 lần. Đáng chú ý, chỉ trong 2 tháng trở lại đây, mặt hàng này có tới 5 lần lập đỉnh liên tiếp. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11-1, giá xăng hiện nay đã nâng thêm 37%.
Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu từ ngày 1-8. Nếu nghị quyết đề xuất được thông qua, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng/lít (đã bao gồm thuế VAT).
Tuy nhiên, trước bối cảnh giá dầu thô có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng mức đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng là quá ít. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang rơi vào cảnh điêu đứng khi chi phí nhiên liệu đầu vào liên tục tăng cao.
Trước đó, ngày 22-6, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã có cuộc làm việc với Bộ Tài chính để đưa ra kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) từ 20% xuống 10% hoặc 8% thay vì 12% như đề xuất. Bên cạnh đó, giảm kịch khung thuế môi trường và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng quan trọng này.
Giá dầu thô thế giới rục rịch tăng trở lại Hiện nay, giá dầu thô sau vài ngày lao dốc đã quay đầu tăng trở lại. Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 29-6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã quay đầu tăng lên 117 USD/thùng sau khi rơi xuống dưới ngưỡng 110 USD/thùng vào ngày 27-6. Giá dầu WTI cũng lên mức 111 USD/thùng sau khi giảm về 104-107 USD/thùng. Nguyên nhân là nguồn cung trên thực tế của dầu thô và các sản phẩm tinh chế bị thắt chặt trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu di chuyển vẫn cao khi nhiều quốc gia mở cửa lại sau một thời gian dài đóng cửa do dịch Covid-19. |